Tết đầu của các cô dâu Việt trên đất Hàn

Xã hội - Ngày đăng : 21:00, 04/02/2019

Tết Kỷ Hợi 2019 này là tết đầu tiên xa nhà của các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc theo Dự án hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc.


Nga được bố chồng hướng dẫn cách nấu các món ăn truyền thống trong dịp Tết của người Hàn Quốc

Cuộc sống mới nơi xứ người dần trở nên quen thuộc, nhưng trong những ngày Tết này, họ lại hướng về quê hương, nơi có những người thân yêu ở đó.

Bạn Nguyễn Thị Nga (26 tuổi, ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương) mới đoàn tụ cùng chồng Hàn Quốc vào tháng 8.2018. Đây là Tết đầu tiên xa nhà của Nga. Qua sự giới thiệu của Trung tâm Tư vấn hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Hội Phụ nữ tỉnh), Nga đã làm quen, tìm hiểu về người chồng hiện tại của mình. Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam, Nga theo chồng về sinh sống tại TP Daegu (Hàn Quốc). “Do được học tiếng, học văn hóa của người Hàn Quốc nên khi sang đây em cũng không quá bỡ ngỡ. Thời gian đầu, do chưa thành thạo nghe nói tiếng Hàn nên giao tiếp với mọi người trong gia đình chồng em cũng gặp khó khăn. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã ổn hơn, em cũng dần hòa nhịp được với cuộc sống của gia đình chồng”, Nga vui vẻ cho biết.

Vợ chồng Nga sống cùng bố chồng. Những việc Nga chưa biết đều được bố chồng chỉ dạy rất tận tình. Là Tết đầu tiên về làm dâu nên mọi việc Nga được chồng và bố chồng hướng dẫn để cô hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc.


Vợ chồng Nga gặp gỡ bạn bè thân thiết trong dịp nghỉ Tết

Ở Hàn Quốc, dịp Tết cổ truyền, người lao động chỉ được nghỉ 3 ngày, từ 30 đến mùng 2 Tết. Từ mùng 3 Tết, mọi người quay trở lại với công việc. Nga cho biết sáng mùng 1 Tết, cả gia đình chuẩn bị một mâm cơm với rất nhiều món ăn truyền thống để cúng tổ tiên. Các con cháu tụ họp tại nhà bố mẹ. Mọi người sẽ cùng làm lễ, sau đó con cháu hành lễ cúi lạy ông bà, bố mẹ cầu chúc sức khỏe và sẽ được nhận lì xì.

Trong Tết cổ truyền của người Hàn Quốc, mọi người sẽ cùng về tụ họp tại nhà bố mẹ hoặc trưởng họ chứ không đi chúc Tết từng nhà như ở Việt Nam. Các món ăn cổ truyền trong dịp Tết cũng được chuẩn bị khá cầu kỳ nên cả ngày 30 Tết, các mẹ, các chị trong gia đình dành thời gian để chuẩn bị.

Dù những ngày cận Tết, khá nhiều việc phải làm nhưng nhiều lúc Nga vẫn chạnh lòng nhớ quê. “Tết bên này không như ở Việt Nam. Điều này làm em nhớ những cái Tết trước ở nhà, háo hức mong chờ Tết, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón Tết”, Nga nói.

Bạn Nguyễn Thị Thảo (25 tuổi, ở xã Thượng Quận, Kinh Môn) theo chồng sang TP Daegu (Hàn Quốc) từ tháng 8.2018. Thảo và chồng ở cùng với bố mẹ chồng.

Thảo thường xuyên được mẹ chồng chỉ bảo những điều chưa biết về văn hóa của người Hàn Quốc. Những ngày này, dù đang bận rộn chuẩn bị mâm cơm cúng nhưng Thảo vẫn thèm không khí Tết ở quê nhà. “Bên này em cũng phụ mẹ chồng nấu các món truyền thống của Hàn, nó khác xa với các món ăn Việt Nam. Không khí Tết bên này cũng không như ở Việt Nam nên em càng thấy nhớ quê, nhớ món ăn ngày Tết của Việt Nam”, Thảo chia sẻ.

Mâm cơm cúng của người Hàn có khá nhiều món nên Thảo phải học cách chế biến các món ăn sao cho đúng vị cổ truyền nhất. Sau ngày mùng 1 Tết làm lễ cúng tổ tiên và tụ họp bên gia đình, nhiều người Hàn Quốc cũng dành ngày mùng 2 Tết cho bạn bè. Họ cùng hẹn nhau đi chơi hoặc dùng bữa cơm ấm cúng chào đón năm mới.

Tết đầu tiên xa nhà, lại phải làm quen với một nền văn hóa mới khiến cho các cô dâu Việt trên đất Hàn có đôi chút bỡ ngỡ. Nhưng với những kiến thức được trang bị về văn hóa Hàn, mong các cô dâu Việt sẽ luôn hạnh phúc, sống trong tình yêu thương của cả gia đình chồng nhân dịp Tết đến, xuân về.

THANH HOA