Tính Đảng & tình Đảng
Tin tức - Ngày đăng : 05:50, 06/02/2019
Trong công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “lò” chống tham nhũng đã nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 Ảnh: TTXVN
Một câu chuyện nóng hổi thu hút sự quan tâm của Đảng, của Dân là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) đã ban hành Quy định 08 về sự nêu gương.
So với quy định của Bộ Chính trị trước đây thì quy định lần này nêu rõ những đòi hỏi đối với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Suy ngẫm kỹ từng câu từng chữ thấy rõ sự cụ thể, chặt chẽ, tính chiến đấu của Đảng. Bởi có những điều xưa nay rất ngại đụng chạm đến, khi buộc phải nói cũng chỉ “đi men hàng rào” thôi. Còn bây giờ, Trung ương nêu rất rành mạch: “Thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Nói “tính chiến đấu” chính là phần cô đặc nhất của tính Đảng. Bởi sức mạnh của Đảng chính là giữ vững nguyên tắc, giữ nghiêm kỷ luật.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất rõ điều này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc": “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”. Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác ra “đề bài”: “Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau… Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Chính vì Bác giao toàn quyền quyết định nên Đại tướng đã phải trải qua những đêm thức trắng để đi đến quyết định khó khăn nhất: chọn thời điểm tấn công. Có lẽ không có thí dụ nào sinh động hơn về tính Đảng khi đưa chủ trương “kéo pháo ra” tức là chưa mở đợt tấn công, rất nhiều, rất nhiều ý kiến của cán bộ cấp dưới băn khoăn, thậm chí hồ nghi, nhưng chính là nhờ làm tốt công tác tư tưởng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật Đảng mà mệnh lệnh đã được thực hiện nghiêm túc và đưa đến thắng lợi cuối cùng làm “chấn động địa cầu”.
Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua đã cho chúng ta những bài học quý. Làm nên những điều ngoạn mục là nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng, nhờ sức mạnh toàn dân. Khi vạch con đường thoát khỏi lối mòn cũ, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vốn không có tiền lệ, tư tưởng tiến công và nguyên tắc tập trung dân chủ đã được đặt lên trên hết. Trong mọi chủ trương, chính sách đổi mới, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, coi việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện mới là nhiệm vụ sống còn. Chúng ta kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) trong nhiều năm qua là vì thế.
Theo dõi các vụ đại án gần đây có liên quan đến một số cán bộ cao cấp, họ cùng phạm vào một khuyết điểm: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Như trong “vụ AVG”, Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: “Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát…”. Rõ ràng, không chỉ người lãnh đạo cao nhất mà nhiều đồng chí trong cấp ủy đã buông lơi tính Đảng.
Đó là ở những vụ án lớn đã phơi bày trước ánh sáng, còn trong cuộc sống, trong sinh hoạt Đảng thì sao? Biểu hiện rõ nhất của những cán bộ có chức có quyền nhưng đã “nhạt Đảng” là luôn để cái bóng của mình trùm lên tập thể. Đó là một số vị giám đốc, chủ tịch có quyền “ra lệnh”, có quyền “chi” đã bất chấp nguyên tắc, quy chế lãnh đạo tập thể. Nghị quyết của cấp ủy mà trái với ý ông, không có lợi gì đối với ông và những “đệ tử sân sau” thì ông không dám chống nhưng tìm đủ lý do để thoái thác hoặc hoãn binh. Trong trường hợp bí thư là người thiếu quyết đoán, luôn đặt chữ “hòa” lên trên hết thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho cái cây vô nguyên tắc mọc mầm. Khi ấy tính Đảng sẽ nhạt nhòa nhường chỗ cho sự tùy tiện, hữu khuynh, buông lỏng lãnh đạo, mất đoàn kết nội bộ.
Ngày xuân có chút thư thái bên nhau thưởng chén trà thơm bốc khói trên tay, chuyện tính Đảng sẽ có dịp bàn sâu bàn kỹ. Người Việt mình thường nói “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Cái tình của người đảng viên với đồng chí, với nhân dân từ những ngày gian khó, nước mất nhà tan cho đến hôm nay có bao điều đáng kể cùng bạn tri âm trong buổi sớm mai gió lành nắng sáng. Cái tình ấy là tình đồng chí đúng nghĩa, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Sinh thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã kể câu chuyện cảm động về người bạn tù ở Côn Đảo - đồng chí Vũ Chí Hiếu: “Anh Hiếu bị ốm nặng, kiệt sức. Anh em xin được một bộ quần áo cho mặc. Một hôm nằm cạnh tôi anh nói: Tôi không sống được nữa. Tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng mà nghĩ mãi không ra. Giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc để đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng. Hôm sau, Hiếu chết, trong những giờ phút cuối cùng của đời mình, bệnh tật giày vò đau khổ, anh vẫn nghĩ đến Đảng, đến đồng chí của mình”. Chuyện người cộng sản trong tù được nhà thơ Tố Hữu nhắc tới trong hai câu thơ nặng tình nặng nghĩa: “Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.
Dù thời chiến hay thời bình, yêu nước phải gắn với thương dân, phải có tình thương và trách nhiệm đối với dân. Ngày nay trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thắng đói nghèo, trì trệ, thắng cả những sức ỳ cố hữu trong mỗi người, cái tình sâu nghĩa nặng của những người đồng chí vẫn sáng lên trong bao câu chuyện cảm động. Chúng ta đã nghe, đã đọc bao tấm gương “bình dị mà cao quý” như thế. Đương nhiên, sự hy sinh thời nay không chỉ là hy sinh tính mạng trong chiến đấu, công tác. Trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người hằng ngày có biết bao điều khó khăn, phức tạp, nhất là khi phải đối mặt với cái xấu, cái ác, có khi cả cái nhá nhem giữa lằn ranh sáng-tối. Biết nhường nhịn, biết hy sinh vì đại cục là lời khuyên của lớp người đi trước, biết đủ, biết dừng, thế là biết vậy. Làm sao giữ cho được tình đồng chí trong sáng, có trước có sau. Đó là điều không đơn giản. Bởi trái với những khoảng sáng là khoảng tối. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nằm trong khoảng tối ấy. Bệnh tham nhũng, quan liêu, mệnh lệnh, thói vô cảm nằm trong khoảng tối ấy.
Trong nhiều cuộc họp từ chi bộ đến cấp cao hơn đâu cũng thấy nói đến hiện tượng nể nang, né tránh trong tự phê bình, phê bình; phê bình mạt sát, phê bình vỗ vai, phê bình cánh hẩu, phê bình vuốt ve, xu nịnh cấp trên là cái tình gì vậy? Nói là khá phổ biến nhưng không dễ chữa. Phải chăng đang thiếu cái tình thật sự, cái “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Bác Hồ đã chỉ ra trong "Di chúc". Khi đã thương yêu thì chỉ có một cách duy nhất là nói thật, nói đúng sự thật, nói sớm, trước khi đồng chí của mình tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy tội lỗi. Khi ấy tính Đảng và tình Đảng dường như là một. Thương yêu nhau trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Điều này Quy định 08 của Trung ương đã nêu rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi”.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh! Tính Đảng và tình Đảng thể hiện trong tầm cao và chiều sâu nhân văn đó. Cứ mỗi mùa xuân tới, mừng xuân, mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng, lại ngân lên trong ta giai điệu thiết tha, tình nghĩa: “Đảng là cuộc sống của tôi!”.
HẢI ĐƯỜNG