Trạng nguyên tuổi Hợi
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:05, 06/02/2019
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được thờ ở Văn miếu Mao Điền
Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi 1491, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, TPHải Phòng). 45 tuổi ông đỗ trạng nguyên khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính thứ 6, triều Mạc Đăng Doanh. Cuộc đời ông có nhiều giai thoại, phảng phất màu cổ tích.
Làm quan ngay thẳng
Nguyễn Bỉnh Khiêm có cha là giám sinh Nguyễn Văn Định và mẹ là Nhữ Thị Thục - con gái của quan Thượng thư triều Lê Thánh Tông. Thuở nhỏ ông có tên là Văn Đạt. Đạt thông minh, nổi tiếng thần đồng. Một lần người cha ngồi chơi đùa với con, lấy dây tre kéo lên kéo xuống, rồi nói: "Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Tưởng con không hiểu gì, ai ngờ bé Đạt nói tiếp: “Vịn tay tiên, nhẹ rung rung”, nghe như là câu thơ cũng giống như vế đối lại. Thông minh, học giỏi nhưng mãi đến năm Giáp Ngọ (1534), Văn Đạt đổi tên là Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi hương, đỗ đầu (giải nguyên). Rồi năm sau Ất Mùi (1535), ông đi thi hội, thi đình đỗ Trạng nguyên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tầm trí tuệ cao siêu. Về chính trị, ông chủ trương lấy dân làm gốc; về đạo đức, lấy thiện làm gốc; về nhân sinh, lấy sinh hóa, hóa sinh để giáo dục con người. Ông cho rằng tre già măng sẽ mọc. Ông là nhà giáo, làm thơ để ghi lại cái chí của mình. Ông sống giản dị, cần cù, ngay thẳng, vì dân vì nước. Làm quan ban đầu là Hiệu thư, rồi Tả Thị lang Bộ Hình, kiêm Đông Các đại học sĩ. Tu thân, học tập lâu dài nhưng khi đỗ đạt xuất thế làm quan chỉ sau 8 năm ông đã xin cáo quan.
Nguyễn Bỉnh Khiêm chào đời dưới triều vua Lê Thánh Tông thịnh trị. Nhưng vào tuổi trưởng thành lại chứng kiến nhà Lê suy vi, mục nát. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê năm 1527, ban đầu còn giữ được kỷ cương phép nước, được lòng dân chúng. Nhưng càng về sau các vua Mạc sa đọa, trượt dốc. Vốn tính khí cương trực, thấy cảnh quan lại tham nhũng, đục khoét dân lành, ông dâng sớ xin chém 17 tên gian nịnh trong triều nhưng không được vua xét đến. Năm 1542, ở tuổi ngoài 50, Nguyễn Bỉnh Khiêm xin cáo quan trí sĩ.
Về quê, ông làm nhà bên cạnh con sông Hàn (Hàn Giang) chảy qua làng, còn có tên Tuyết Giang. Ông mở trường dạy học nên học trò tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Ông dựng ngôi nhà gọi là “Trung tân quán” để giúp người nghèo khó, khuyên nhủ kẻ giàu sang biết điều nhân nghĩa, nêu cao tình người, chấn hưng đạo đức…
Sấm truyền mai sau
Truyền ngôn rằng thời trẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm có học với Lương Đắc Bằng, được truyền cho quyển sách "Thái ất thần kinh", nên ông nghiên cứu và tinh thông lý học, tướng số, đoán định được sự kiện cuộc đời, thế sự, ứng nghiệm đến mấy trăm năm sau vẫn đúng. Dân gian gọi là “Sấm Trạng Trình”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm về trí sĩ ở quê nhưng các đời vua Mạc vẫn sai sứ đến tận nhà ông để hỏi về quốc sự. Năm 1544, vua Mạc Phúc Hải phong cho ông tước Trình Tuyên hầu. Rồi ít lâu sau lại thăng Thượng thư Bộ Lại, tước Trình quốc công. Vì thế dân gian gọi ông là Trạng Trình.
Chuyện kể rằng khi xưa, Nguyễn Hoàng muốn trốn khỏi nanh vuốt của chúa Trịnh. Ông ta đã sai người thân tín từ kinh thành về làng Trung Am để thỉnh giáo Trạng Trình. Nghe chuyện, cụ chẳng bảo gì, chỉ nhìn đàn kiến bò trên hòn non bộ, lẩm bẩm: "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân” (Một dải Hoành sơn có thể dung thân được). Nghe vậy, Nguyễn Hoàng đã xin họ Trịnh vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi.
Có một câu thơ nôm của Trạng Trình mà người sau cho là “sấm trạng” nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945: "Đầu thu gà gáy xôn xao/Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long". Các nhà nghiên cứu giải mã rằng: Hai chữ "đầu thu" ứng vào tháng 7 âm lịch, chữ "gà" ám chỉ năm Ất Dậu (1945), "gáy xôn xao" nghĩa là lay động thức tỉnh lòng người. "Trăng xưa" nghĩa là "cổ nguyệt", 2 chữ Hán "cổ - nguyệt" ghép lại thành từ "Hồ", là Hồ Chí Minh. Câu "sáng tỏ soi vào Thăng Long", ứng với sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Trạng Trình mất ngày 28.11 năm Ất Dậu 1585, thọ 95 tuổi. Thời ấy, hưởng thọ như ông có thể gọi là phi thường. Tang lễ ông rất đông, bấy giờ các quan lại dù theo nhà Lê, hay nhà Mạc nếu có lòng đều tìm về phúng viếng. Nhóm môn sinh, đã có bài văn tế đọc trước mộ thầy thật xúc động: "Than ôi! Mây mờ đỉnh núi, cỏ cây vườn cũ phai màu/Nước lặng mặt ao, nguồn gốc đạo ta như cũ". Một năm sau khi ông mất, vua Mạc xuống chiếu ban cho làng Trung Am 3.000 quan tiền lập đền thờ và tự tay nhà vua đề 7 chữ "Mạc triều trạng nguyên tể tướng từ” (Đền thờ trạng nguyên tể tướng triều Mạc). Vua còn ban cho làng 100 mẫu ruộng làm công điền, cày cấy lấy quả thực quanh năm hương khói.
KHÚC THIÊN GIANG