Lệ hiếm ngày Xuân
Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 10:41, 06/02/2019
Phiên chợ đình Cả mỗi năm chỉ họp 1 lần vào sáng mùng 2 Tết
Lễ yến lão ở làng cổ Thạch Lỗi
Đến nay, người cao tuổi nhất của làng Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) cũng không biết lễ yến lão của quê hương có từ bao giờ. Người dân chỉ biết lễ này được gìn giữ, nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Ở nước ta, lễ yến lão có từ lâu đời và hiện nay, làng Thạch Lỗi là một trong số ít địa phương còn giữ được nét đẹp truyền thống này. Tên gọi yến lão bắt nguồn từ xa xưa, trong những bữa ăn hay tiệc của vua chúa thường có món quý làm bằng dãi yến. Tên của món ăn quý sau này đã trở thành tên gọi chỉ chung cho bữa cỗ, bữa tiệc sang trọng. Cách gọi yến lão có ý chỉ bữa tiệc thịnh soạn, sang trọng dùng để thết đãi các bậc cao niên.
Lễ yến lão ở làng Thạch Lỗi được tổ chức vào chiều 11 tháng giêng. Theo lệ làng, đàn ông 50 tuổi được lên lão (gọi là lão hạ), khi 56 tuổi được lên cụ (gọi là lão nhiêu). Từ ngày 20 - 28 tháng chạp, đàn ông đến tuổi 56 tổ chức theo xóm, theo họ hoặc gia đình và sửa soạn lễ ra đình kính cáo Thành hoàng. Mâm lễ giản dị, thường chỉ có mâm xôi, con gà, hoa quả, hương nến.
Ngày diễn ra lễ yến lão, các xóm tổ chức thành đoàn gồm các ông từ 56 tuổi trở lên cùng đại diện Đảng, đoàn thể làm lễ rước ra đình. Nghi thức rước trang trọng. Mọi người ai cũng mặc trang phục chỉnh tề. Nhiều xóm còn có đội cử hành nhạc lễ. Đến đình, các xóm mang lễ vào hậu cung dâng lên Thành hoàng.
Cụ Nguyễn Đình Tưởng, Phó Ban khánh lễ của đình Thạch Lỗi cho biết: "Từ xưa đến nay, nếu không đủ 4 đoàn lễ của 4 xóm (trước đây gọi là giáp) thì lễ tế chưa thể cử hành. Do đó các xóm đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc giờ giấc và duy trì truyền thống. Một điều nữa thể hiện sức sống mãnh liệt của lễ yến lão là tuy lễ hội đình làng Thạch Lỗi được tổ chức sau đó hơn 1 tháng (ngày 12 và 13.2 âm lịch) nhưng dân làng vẫn làm lễ yến lão riêng, thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với các bậc cao niên của làng".
Sau khi thực hiện đầy đủ nghi lễ, các xóm mang lễ về liên hoan. Ngoài những vật phẩm lễ ở đình, tùy theo điều kiện của mỗi xóm để làm cỗ to hay nhỏ. Thường thì mỗi xóm mổ 1 - 2 con lợn, ngoài thủ lợn làm lễ Thành hoàng, phần còn lại dùng nấu cỗ. Buổi liên hoan diễn ra đầm ấm, vui vẻ. Thành phần tham dự là các ông từ 56 tuổi trở lên và mời thêm cả các bà, con cháu ở xa về cùng tham dự.
Người dân làng Thạch Lỗi luôn tự hào lễ yến lão không còn chỉ dành riêng cho các cụ mà nó cũng là ngày hội chung của cả gia đình, dòng họ, xóm làng. Vào ngày lễ yến lão, con cháu xa gần về chung vui, chúc thọ ông bà, bố mẹ và người thân. Cùng với đó, lễ lên lão cũng được mở rộng ra cả gia đình con cháu của làng đã sinh cơ lập nghiệp ở nơi khác. Ông Nguyễn Đình Hài (64 tuổi, ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) chia sẻ: "Tôi đã xa quê nhiều năm nhưng khi 60 tuổi, tôi cùng 18 anh em khác đang công tác, sinh sống ở trong, ngoài tỉnh về xin phép làng được làm lễ lên cụ và tham gia ngày lễ yến lão. Buổi lễ tạo cho tôi nhiều cảm xúc về tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết, tôn trọng người già. Từ đây, chúng tôi thấy mình phải luôn sống đúng mực, có ích hơn để làm chỗ dựa và làm gương cho con cháu".
Hiện nay, Thạch Lỗi có 3 cụ thọ hơn 100 tuổi, 10 cụ từ 90 - 99 tuổi và 50 cụ từ 80 - 89 tuổi. Lễ yến lão của làng Thạch Lỗi đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng truyền thống yêu quý, tôn trọng người già.
Tục rước "ông lợn"
Theo lời kể của các cụ cao niên làng Đại Điền, xã Hồng Lạc (Thanh Hà), tục rước lợn ở đây có từ lâu đời, gắn với lễ hội đình Mè. Lợn là con vật được nhân dân ở đây chọn để tế Thành hoàng làng, tưởng nhớ công ơn của các vị Thành hoàng. Lễ hội tổ chức vào ngày 18 tháng giêng hằng năm.
Cụ Bùi Đức Càn 84 tuổi ở thôn Đoài, người tham gia vào Ban Quản lý di tích đình Mè hơn 20 năm nay cho biết để tục rước lợn diễn ra thuận lợi thì ngay từ đầu năm, 6 thôn trong xã đã tổ chức nuôi lợn. Các thôn chọn một số hộ có kinh nghiệm nuôi lợn để giao nhiệm vụ. Lợn nuôi cho lễ rước phải là lợn đực, dáng cao, tai vểnh. "Ông lợn" được chăm sóc cẩn thận để bảo đảm cân nặng và chất lượng thịt. Đặc biệt, từ khi nuôi đến lúc tổ chức lễ hội, không làng nào để lộ thông tin về những hộ nuôi lợn cho làng khác biết vì cho rằng nếu biết sẽ mất đi phần thiêng liêng, kính cẩn đối với các vị thần linh. "Ông lợn" sẽ được nuôi giấu đến trước khi diễn ra lễ hội từ 1-2 ngày dân làng mới biết.
Gần đến ngày 18 tháng giêng, vào tiết xuân tươi đẹp, ấm áp, cả thôn chọn một con lợn đẹp nhất, nặng từ 3-4 tạ làm thịt. Chiều 17 tháng giêng, "ông lợn" được tắm rửa sạch sẽ, kiểm tra cân nặng. Những người mổ lợn phải có sức khỏe và kinh nghiệm để giữ hình dáng đẹp cho "ông lợn". Sau khi làm thịt, người dân sẽ cắt bỏ phần nội tạng, còn các bộ phận khác giữ nguyên. "Ông lợn" sau khi làm sạch được đặt lên kiệu trong tư thế quỳ gối, phần mỡ trong bụng sẽ được phủ lên lưng như đang khoác long bào, mồm ngậm bông hoa hồng.
Sau đó, "ông lợn" được đưa ra trước sân UBND xã để chấm điểm. Ban tổ chức sẽ trao giải nhất cho làng có "ông lợn" to nhất, được trang trí đẹp mắt nhất, có lễ chay đẹp, đoàn rước đông, trang phục đẹp. Làng nào có "ông lợn" to nhất sẽ được bố trí đi đầu tiên để rước ra đình. Làng sẽ chọn những thanh niên chưa vợ, có sức khỏe tốt để rước kiệu khiêng "ông lợn".
Ông Đoàn Văn Sính ở thôn Bắc vui vẻ cho biết: "Năm nào tôi cũng tham gia công tác chuẩn bị lễ rước lợn. Cứ đến gần ngày đó là khí thế lắm. Cả làng có hội nên ai cũng xăm xắn mỗi người một việc để mong "ông lợn" của thôn mình đẹp nhất, được giải cao". Trong không khí vui mừng của mùa xuân mới, tục rước lợn là không gian để mọi người cùng tụ họp, chia sẻ niềm vui, biểu thị sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư. Đây cũng là một dịp để dân làng, con cháu khắp nơi tìm về thể hiện sự thành kính đối với các vị Thành hoàng làng được thờ trong đình Mè.
Phiên chợ chỉ họp một lần trong năm
Đến hẹn lại lên, vào sáng mùng 2 Tết, người dân xã Tân Hương (Ninh Giang) và các địa phương lân cận lại đổ về khu vực đình Cả để đi chợ Tết. Hàng nghìn người nô nức đến chợ sắm sửa, chơi Tết, du xuân. Con đường dẫn vào đình kín đặc người. Dù đông nhưng dòng người không chen lấn, xô đẩy, tuần tự nhích từng chút một vào chợ. Chợ bán đủ các mặt hàng từ thịt, cá, rau dưa đến những cây kim, sợi chỉ… Tại phiên chợ, cả người mua và người bán đều chung ý nguyện cầu may mắn. Điểm đặc biệt của phiên chợ này là mỗi năm chỉ họp một lần.
Để chuẩn bị cho phiên chợ, từ trước Tết, người dân trong xã đã bảo nhau chia vạch, kẻ phần nhận chỗ bán hàng. Đến sớm mùng 2, khi trời tang tảng sáng, những người bán hàng đã lỉnh kỉnh đồ nghề, kê bàn, trải sạp bày hàng hóa. 7-8 giờ sáng là lúc chợ nhộn nhịp nhất. Những lời chào mời mua hàng, tiếng nói cười rộn rã, ai cũng vui vẻ, thuận mua vừa bán. Đặc biệt, phiên chợ không trả giá, mặc cả nhưng cũng không vì thế mà người bán hàng ép giá hoặc tăng giá bán. Họ quan niệm, phiên chợ đầu năm suôn sẻ, thuận lợi thì cả năm sẽ may mắn. Cho dù lãi cao hay thấp thì cứ bán hết hàng là may mắn rồi. Còn người mua thì mong chọn được những món hàng ưng ý để ăn Tết.
Trong trí nhớ của cụ Đào Văn Khánh 80 tuổi ở thôn 4, những phiên chợ đầu năm ngày trước hàng hóa không nhiều như bây giờ. Chợ chủ yếu bán vài mặt hàng đơn giản như rau củ, thịt cá để bà con mua bổ sung thực phẩm trong vài ngày Tết. Giờ hàng hóa nhiều hơn nhưng những nét đặc trưng của phiên chợ vẫn không bị mai một. Người đi chợ không chỉ mua bán hàng hóa mà còn cầu may mắn, du ngoạn, chơi xuân. Khi mua hàng xong, người dân vào đình Cả dâng hương, tưởng nhớ các vị anh hùng có công đánh giặc, lập ấp, cầu may mắn, cầu bình an. Phiên chợ cũng là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ, tìm duyên lành trong năm mới. Thời xưa, các cụ quan niệm “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”, nhiều đôi trai gái đến chợ bén duyên rồi nên chồng vợ.
Chợ Đình Cả đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay gắn với sự hình thành của đình Cả. Nhiều người dân Tân Hương mong muốn phiên chợ được mở rộng, tổ chức có quy mô hơn, góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của địa phương.
TRUNG NGA NGUYỆT