Ăn Tết trên chiến trường nước bạn
Tin tức - Ngày đăng : 18:44, 07/02/2019
Ông Cư thường kể những câu chuyện chiến đấu bên nước bạn Lào để con cháu hiểu rằng có gian khổ, hy sinh mới có những mùa xuân hòa bình
Nhớ quê da diết
Mỗi độ đào mai khoe sắc báo hiệu mùa xuân về là ông Bùi Duy Cư (68 tuổi, ở xã Tiền Tiến, Thanh Hà), Trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào huyện Thanh Hà lại bồi hồi nhớ về cái Tết ở Lào. Ông Cư nhập ngũ năm 1968 và cùng đồng đội sang nước bạn Lào. Lúc đó, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào vừa tập trung giúp bạn xây dựng lực lượng, nâng cao khả năng chiến đấu, vừa cùng Quân giải phóng Lào chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch; giữ vững, mở rộng vùng giải phóng.
Ông Cư nhớ nhất là Tết Canh Tuất 1970 khi ông đang làm công vụ tại tỉnh Salavan. Trong những phút giây thiêng liêng đầu tiên của một năm mới, đơn vị ông làm lễ truy điệu sống cho 3 đồng chí. Họ là những người lính quả cảm, sẵn sàng ngã xuống để làm nhiệm vụ phá bom từ trường. “Trong giây phút thiêng liêng của năm mới đến, trước tinh thần quả cảm của những người lính ấy, tôi và nhiều người đã không ngăn nổi những giọt nước mắt xúc động. Và dường như phép màu kỳ diệu đã xảy ra khi cả ba người lính ấy đã trở về an toàn sau khi làm tròn nhiệm vụ. Điều đó càng tiếp thêm tinh thần chiến đấu cho những người lính vào những ngày đầu xuân năm mới”, ông Cư bồi hồi nhớ lại.
Đón nhiều cái Tết ở chiến trường nhưng những ngày Tết trên chiến trường Campuchia luôn khắc sâu trong tâm trí ông Đoàn Mạnh Bình (64 tuổi) ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Tháng 9.1978, ông Bình thuộc biên chế Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh Miền được cử sang chiến đấu tại Campuchia. Ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam, các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đã làm chủ thủ đô Phnôm Pênh. Tuy nhiên, tàn quân địch vẫn còn, chúng tuy bị xé lẻ nhưng có thể tập hợp lại, sẵn sàng chống trả bất cứ lúc nào. Cùng một trung đoàn nhưng căn cứ vào tình hình chiến đấu nên những người lính được chia các đợt ăn Tết khác nhau. Bữa cơm ngày Tết khi ấy sang lắm thì có chút ít thịt hộp, cá muối, rau muống khô. Việc đón Tết chỉ gói gọn trong 1 ngày và cả đơn vị luôn sẵn sàng chiến đấu. Có cái Tết đơn vị ông phải ăn hạt bo bo và cá thay cơm. Đồng đội tranh thủ những phút giây hiếm có, ngồi lại bên nhau, kể cho nhau nghe phong tục đón Tết ở mỗi vùng miền. Ai cũng nhớ gia đình, quê hương da diết. Họ đều hướng đến một ngày hoàn thành nhiệm vụ, khoác ba lô trở về quê hương.
Thắm tình hữu nghị
Ông Cư vẫn còn nhớ lần đón Tết Kỷ Dậu năm 1969 trong một hang động của nước bạn Lào với sức chứa hơn 1.000 người. Khi Tết cận kề, bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, việc chuẩn bị đón Tết vẫn diễn ra sôi nổi, không khí đầm ấm lan tỏa khắp hang. Những cành hoa đào, nhánh hoa rừng được trang trí rực rỡ. Tiết mục hái hoa dân chủ được nhiều người đợi chờ. Ông Cư cùng đồng đội và những người dân Lào anh em hòa chung điệu múa Lăm Vông - điệu múa truyền thống của người dân các bộ tộc Lào. Những ánh mắt, nụ cười trao nhau, khoảng cách nối lại thật gần, rào cản ngôn ngữ, văn hóa dường như bị xóa bỏ.
Trong khoảng thời gian năm 1974 và đầu năm 1975, ông Lê Minh Bé (66 tuổi) ở thị trấn Kinh Môn là lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 5, Đoàn 367 đặc công, Bộ Tư lệnh Miền. Các ông sang đất bạn Campuchia để gây dựng căn cứ hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Ông Bé cùng đồng đội sống cùng với những người dân ở một phum (cụm dân cư) thuộc tỉnh Xoài Riêng. Cận Tết, Bộ Tư lệnh Miền cử đoàn văn công đến biểu diễn cho những người lính. Người dân Campuchia cũng rất háo hức xem. Khi Tết đến xuân về, đơn vị của ông nhờ một ngôi nhà rộng ở trong phum để tổ chức đón Tết, mời các gia đình bà con đến chung vui. Bà con Campuchia đến ai có gì góp nấy. Những chiếc bánh thốt nốt có vị ngọt thanh, những ngụm rượu thốt nốt thơm nồng đượm men say chất chứa tình cảm của những người dân Campuchia chân thành, chất phác. Đáp lại những tình cảm thân thương, trân quý ấy, đơn vị của ông Bé dành những chiếc bánh, chiếc kẹo, những viên thuốc bổ cho trẻ em, mời người dân Campuchia ăn món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh tét. Bữa cơm đoàn kết của người dân hai nước thắm tình hữu nghị anh em.
Trải qua nhiều cái Tết gian khổ trên chiến trường nước bạn xa xôi, những người lính năm xưa cảm nhận rõ Tết và mùa xuân sống trong hòa bình đáng quý tới nhường nào. Bởi thế họ vẫn thường ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội, kể lại những câu chuyện thắm tình hữu nghị để con cháu hiểu rằng có gian khổ, hy sinh của thế hệ đi trước mới có những mùa xuân bình yên cho thế hệ hôm nay.
HUYỀN TRANG