Kinh Môn phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Kinh tế - Ngày đăng : 20:57, 07/02/2019
Huyện Kinh Môn đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các nhà máy xi măng chuyển đổi công nghệ sản xuất để bảo vệ môi trường
Tổng giá trị sản xuất đạt 43.613 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt 49,5 triệu đồng/năm; giá trị sản phẩm/ha đất đạt 207,9 triệu đồng; thu ngân sách đạt 474 tỷ đồng, tăng 138% so với dự toán; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tạo nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi về tài nguyên, khoáng sản, hệ thống giao thông đường bộ, đường sông phát triển nên Kinh Môn thu hút đầu tư ngành công nghiệp rất sớm. Diện tích đất dành cho hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ đạt 1.377,6 ha/16.533,5 ha đất tự nhiên, chiếm 8,33%. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 60%. Kinh Môn hiện có trên 900 doanh nghiệp (DN), trong đó có 20% số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, còn lại là nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Mặc dù số lượng ít, song giá trị sản xuất của các DN công nghiệp, xây dựng lại chiếm tỷ trọng lớn, đạt khoảng 70.000 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù phát triển mạnh mẽ và đóng góp giá trị lớn, song các DN cũng có những hoạt động gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, khả năng thu hút đầu tư của huyện. Do vậy huyện Kinh Môn đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các nhà máy xi măng có kế hoạch chuyển đổi từ công nghệ lò đứng sang lò quay hoặc dừng sản xuất. Đối với nhà máy đã chuyển đổi cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Với các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư cần có kế hoạch chuyển đổi loại hình sản xuất hoặc di dời vào cụm công nghiệp. Các mỏ đã được cấp phép cần khai thác tập trung, sớm hoàn nguyên đóng cửa mỏ bàn giao cho địa phương. Ngành công nghiệp sản xuất thép, luyện kim tiếp tục cải tiến công nghệ, thiết bị máy móc nâng cao chất lượng sản xuất, sản phẩm hàng hóa và hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý chất thải, phế thải, rác thải, nước thải, trồng cây xanh cách ly, bảo đảm an toàn vệ sinh công nghiệp, tường chắn để giảm thiểu tiếng ồn sau khi đi vào hoạt động sau khi đi vào hoạt động. Ngành công nghiệp nhiệt điện có giải pháp xử lý chất thải từ tro bay, xỉ thải thành vật liệu xây dựng hoặc thành nguyên liệu có ích cho ngành công nghiệp, nông nghiệp khác. Kiên quyết đình chỉ hoặc dừng sản xuất đối với các DN cố tình không chấp hành hoặc vi phạm nhiều lần bị cấp có thẩm quyền xử phạt và có nhiều phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, huyện Kinh Môn cũng có chủ trương thu hút các ngành công nghiệp có lợi thế từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, sản phẩm nông nghiệp, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như: công nghiệp hỗ trợ phục vụ, thay thế máy móc thiết bị cho các nhà máy công nghiệp đã hình thành như: thiết bị điện, công nghệ môi trường. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gia súc, gia cầm từ các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phục vụ cho khu dân cư đô thị, khu cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi giải trí nhằm thu hút du khách và kết nối du lịch UBND huyện Kinh Môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị. Triển khai đầu tư các công trình hạ tầng giao thông như xây dựng cầu Mây, cầu Triều, cầu Dinh, quốc lộ 17B, đường tỉnh 389, 389B, sớm kết nối cầu Vạn với tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, tạo động lực tiếp tục thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch, giao lưu, thông thương hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với nền tảng từ huyện miền núi được chia tách, sau 20 năm tái lập, Kinh Môn đã phấn đấu đạt tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu trở thành thị xã, là điểm đến lý tưởng và là miền đất hứa cho các nhà đầu tư. Từ đó, Kinh Môn sẽ có điều kiện, sớm trở thành thị xã công nghiệp, thương mại và du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư thúc đẩy công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
NGUYỄN THỊ LIỄU
Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn