Vận tải thủy trên Bắc Hưng Hải: Một thời hoàng kim
Kinh tế - Ngày đăng : 18:29, 08/02/2019
Lượng tàu thuyền trên hệ thống Bắc Hưng Hải hiện đã giảm mạnh so với trước
Thuyền bè xuôi ngược
Được mệnh danh là "Con rồng vàng châu thổ", đại công trình 60 năm tuổi ấy là biểu tượng của ý chí, là niềm tự hào của người dân nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Đại công trình này từng làm bạn bè quốc tế kinh ngạc bởi tầm vóc của nó. Trước đây, cư dân ở nhiều làng quê miền châu thổ sông Hồng lấy sông để kiếm kế sinh nhai. Trong trí nhớ của nhiều người, suốt đêm ngày, Bắc Hưng Hải (BHH) ồn ã, tấp nập thuyền bè xuôi ngược, giống như trên những quốc lộ bây giờ.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh sinh ra ở một ngôi làng ven sông Cầu Guột của xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng). 78 năm qua, ông chuyển nhà vài lần nhưng đều ở ven sông. Sông Cầu Guột là một nhánh của hệ thống thủy lợi BHH, chảy từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) qua huyện Cẩm Giàng của Hải Dương rồi nhập vào nhánh khác đoạn huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Ông Chỉnh vẫn nhớ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mỗi sáng tinh mơ, ông và các con đều bị đánh thức bởi tiếng còi trầm đục của các tàu chở hàng từ mạn Bắc Giang cập bến. Hàng trăm người dân từ các xã Ngọc Liên, Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) tỏa ra rồi tụ về bến. Hàng hóa các tàu thuyền chở đến mùa nào thức nấy nhưng thường là muối, cá khô, khi thì ngô, sắn, vải gụ hay nông cụ. Dòng sông ngày ấy như một con đường, như niềm mong mỏi, đợi chờ, như là cánh cửa mở ra để dân làng đón nhận sự đổi thay, mới mẻ.
Xã Tân Việt (Thanh Hà) dù không có hệ thống thủy nông BHH đi qua nhưng là vùng đất có tiếng với các đội tàu chạy ngược xuôi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nghề sông nước bấy giờ ở Tân Việt cực thịnh một phần cũng nhờ hệ thống BHH. Theo ông Nguyễn Chính Khanh - người có nhiều năm làm nghề vận tải thủy, trước đây muốn vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh rất khó khăn vì đường bộ chưa phát triển, phương tiện còn thiếu thốn. Sau khi hệ thống BHH hoàn thiện, tàu bè hoạt động rộn ràng. Nhiều hộ giàu lên, đóng thêm tàu mới. Có dòng họ tất cả trai tráng làm nghề, huy động cả phụ nữ lên tàu nấu nướng, giặt giũ. "Tàu từ 200 - 300 khối ngày ấy đi trên BHH băng băng, giống như xe khách hay xe tải đường dài bây giờ. Chạy một mạch từ thị xã Hải Dương, qua Bình Giang, vòng sang Hưng Yên, Hà Nội, chờ bốc hàng lên, ăn hàng rồi quay lại. Mỗi chuyến đi mất đến nửa tuần", ông Khanh kể. Cũng theo ông Khanh, nghề vận tải trên BHH phát triển rực rỡ nhất là những năm 80-90 của thế kỷ trước. Nhờ hệ thống BHH mà các đội tàu thuyền có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn với chi phí rẻ.
Tấp nập nhất là những ngày áp Tết, gió rét căm căm nhưng không khí thật rộn ràng. Trên bờ, thi thoảng có một tràng pháo nổ đì đoàng, tiếng gọi nhau đi đụng lợn í ới khắp xóm trên, làng dưới. Hương vị Tết đầy ắp những khoang thuyền. Đó là những cành đào phai chở từ mạn Hà Nội về, những xấp lá dong đã quăn mép vì gió mùa đông bắc. Hay từng chai rượu chanh sóng sánh mà các thuyền viên mua mang về làm quà biếu. "Ai cũng muốn về nhanh, nhưng những chuyến tàu về áp Tết không vội vã, vì đôi lúc lái tàu cao hứng ghé vào một phiên chợ ven sông. Vả lại, ngày cuối năm, tàu bè trên BHH tấp nập hơn ngày thường, giống như xe cộ trên đường bộ ngày áp Tết bây giờ, thành thử, từ Hưng Yên về đến Thanh Hà mất cả ngày trời", ông Nguyễn Bùi Hoài ở thôn Vạn Tuế (xã Tân Việt) trầm ngâm nhớ về những ngày rong ruổi trên BHH vào dịp cận Tết.
Nuối tiếc
Nhiều người gắn bó với vận tải thủy trên hệ thống BHH nay đã bỏ nghề do không cạnh tranh được với vận tải đường bộ và nhiều đoạn bị bồi lắng, lấn chiếm. Tàu thuyền đi lại khó khăn hơn trước, dễ mắc cạn nên hầu hết chỉ cập ở sông ngoài. Trên hệ thống BHH chỉ tàu nhỏ còn hoạt động. Dù bỏ nghề nhưng nhiều người cũng không thể quên được một thời hoàng kim ấy.
Ông Nguyễn Bùi Hoài đi tàu chở than, vật liệu xây dựng trên hệ thống BHH đã 40 năm. "Ngày ấy, tuần nào tôi cũng có chuyến đi từ thị xã Hải Dương qua các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện. Ở chiều ngược lại, từ sông Hồng đi vào Hưng Yên hay Bắc Ninh để chở vật liệu đổ vào bến bãi rồi về. Đi tàu ngày ấy vất vả nhưng vui và thu nhập khá", ông Hoài kể. Nay thì ông Hoài đã bỏ nghề. Ông tiếc nuối: "Nếu hệ thống BHH được nạo vét thì nghề vận tải thủy vẫn phát triển và sẽ hạn chế xe cộ trên đường bộ".
Hải Dương có tới 7 huyện, thành phố có hệ thống BHH chảy qua. Ngoài phục vụ tưới tiêu cho Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thủ đô Hà Nội, hệ thống BHH còn là đường thuỷ vận tải hàng hóa. Nhưng hiện nay lượng tàu thuyền trên BHH đã giảm nhiều. Theo anh Vũ Huy, Trạm trưởng Trạm Quản lý cống Cầu Xe (Tứ Kỳ), trên địa bàn Hải Dương, cùng với âu thuyền Cầu Cất thì các âu thuyền Cầu Xe, An Thổ là điểm tiếp nhận tàu thuyền đi vào hệ thống BHH. Trước kia, các tuyến kênh trục chính của hệ thống là đường giao thông thủy huyết mạch, phục vụ cho các địa phương phía tây nam tỉnh. Nhưng nay, vận tải thủy dường như đã hết thời. Ngoài nguyên nhân do khó cạnh tranh với đường bộ, một phần còn do khi đang trong giai đoạn trữ nước mà triều kiệt thì các tàu thuyền phải đợi thời điểm thủy triều lên mới đi được. Vì vậy, dù vận tải đường thủy trên BHH chi phí thấp hơn song ngày càng ít tàu thuyền đi lại hơn.
Vận tải thủy trên BHH ngày nay dù không còn phát triển, mất dần vị thế nhưng không thể mất đi, nó vẫn có sức sống tiềm tàng, trở thành đặc trưng riêng của một đại công trình thuỷ nông.
TIẾN HUY