Tấp nập du khách đến chợ Viềng Nam Định - phiên chợ cầu may đầu năm

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 07:43, 12/02/2019

Chợ Viềng - Nam Định từ lâu đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, hội tụ tinh hoa sản vật của mọi miền với tâm niệm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa.

Khách mua hàng ở Chợ Viềng. (Nguồn: TTXVN)

Nổi tiếng là phiên chợ “mua may, bán rủi” mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng, chợ Viềng - Nam Định từ lâu đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, hội tụ tinh hoa sản vật của mọi miền với tâm niệm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, buôn may bán đắt.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi, ngay từ chiều tối 11.2 trên khắp các nẻo đường đổ về trung tâm khu vực Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy tại xã Kim Thái đến xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - nơi tổ chức chợ Viềng xuân 2019 luôn tấp nập du khách, xe cộ xếp thành một hàng dài, dòng người nối đuôi nhau nhích từng tí một, khuôn mặt ai nấy đều rạng ngời, phấn chấn đúng với tính chất một phiên chợ cầu may đầu năm.

Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đặc biệt này cũng rất đa dạng, từ các nông cụ truyền thống phục vụ công việc đồng áng hàng ngày của người dân như: dao, liềm, cuốc, xẻng, thúng, mủng, nơm, đó, quang gánh… Các loại cây trồng đặc trưng của các vùng miền như chanh, hồng, táo, hồng xiêm, vú sữa, sầu riêng, bơ cho đến các loại cây cảnh có dáng đẹp, độc, lạ cũng được bày bán.

Những người bán hàng tại chợ Viềng đa số đều là những cư dân trong vùng, họ mang các sản vật của nhà trồng được đến chợ bán lấy may đầu năm chứ không đặt nặng lợi ích kinh tế, giá bán các mặt hàng tại đây cũng rất phải chăng phù hợp với đại đa số người nên hết rất nhanh.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một người bán hàng tại chợ Viềng cho biết năm nào anh cũng đem một ít cây hoa trà, hoa hải đường của nhà trồng được đi chợ Viềng bán, anh Hùng thuê chỗ ngồi bán ở đây từ sáng tới giờ đã hết một nửa số cây mang đi, dự kiến đêm nay sẽ bán hết vì năm nào cũng vậy càng về đêm khách đến với chợ Viềng càng đông, sức mua sẽ tăng lên.

Ngoài các gian hàng trưng bày đồ giả cổ, gian hàng bày bán các loại cây cối, đồ chơi trẻ em thì các gian hàng bày bán các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được du khách đặc biệt chú ý.

Anh Nguyễn Thành Chung, du khách từ tỉnh Hà Nam cho biết năm nay tôi chọn mua một cái thúng cùng với mấy cái liềm để chuẩn bị cho vụ lúa sắp tới, thời tiết đầu Xuân mới khá dễ chịu hi vọng vụ lúa năm nay sẽ được mùa, ít sâu bệnh.

Thịt bò là thứ đặc sản không thể thiếu trong phiên chợ Viềng đầu Xuân. Nhiều người quan niệm, đi chợ Viềng không mua một thứ gì đó cũng như không có một miếng thị bò mang về lấy lộc thì coi như chưa tới chợ Viềng vì thịt bò có màu đỏ mang lại vận son cho cả năm, cũng chính vì thịt bò là một trong số các mặt hàng bán chạy nhất tại phiên chợ này.

Những năm gần đây, giao thông đi lại thuận tiện nên nhiều du khách ở các tỉnh xa như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình… có thể đi chợ Viềng trong ngày. Chợ Viềng tại huyện Vụ Bản được tổ chức ngay tại trung tâm khu vực Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy nên ngoài việc đi chợ mua lộc đầu năm, nhiều du khách cũng kết hợp dịp này để đi vãn cảnh đình, chùa cùng cầu mong một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn.

Càng về đêm, dòng người đến với chợ Viềng ngày càng đông, ánh điện đường, ánh điện từ các gian hàng, những tiếng mua bán trao đổi hàng hóa, tiếng của các loại nông cụ va vào nhau, tiếng nhạc hội cho đến những tiếng hò reo gọi nhau của các bạn trẻ đã tạo ra một thứ âm thanh sôi động, huyên náo đặc trưng của phiên chợ Viềng đầu Xuân làm cho đất trời như bừng tỉnh.

Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng Ban tổ chức hội chợ Viềng, dự kiến năm nay lượng khách đến với chợ Viềng khoảng 30.000 người. Để bảo đảm an toàn cho du khách, Ban Tổ chức đã bố trí trên 500 cán bộ chiến sĩ tổ chức phân luồng bảo đảm an toàn, chống ùn tắc giao thông; kiểm tra, giám sát việc thu lệ phí của các điểm coi xe bảo đảm đúng quy định; kịp thời ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trong di tích và lễ hội, hạn chế tối đa việc đốt vàng mã, thắp hương trong di tích, đặc biệt là giải quyết triệt để tình trạng người ăn xin và các hoạt động chèo kéo khách.

Tại Nam Định có 2 chợ Viềng nổi tiếng là chợ Viềng phủ ở huyện Vụ Bản và chợ Viềng chùa ở huyện Nam Trực. Người dân có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên, họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau và mọi người ai đến chợ cũng đều đinh ninh một ý niệm mua may bán rủi cho năm mới được bình an, may mắn.

Theo TTXVN