Giờ làm việc của cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 09:31, 15/02/2019

Sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, trước hết là phải đi làm và ra về đúng giờ quy định.

Ngày 27.12.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt đề án văn hóa công vụ. Đọc đề án này, tôi chú ý đến yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) "phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức..."

Sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, trước hết là phải đi làm và ra về đúng giờ quy định. Nhà nước đã quy định cụ thể thời gian bắt đầu, kết thúc làm việc theo mùa hè và mùa đông, song không ít CBCCVC thường đi làm muộn, về sớm. Những ngày đầu xuân này, không khó để thấy hình ảnh những CBCCVC đi làm muộn. Khi bị nhắc nhở, ngoài số ít có tinh thần cầu thị, nhiều người bao biện rằng đi muộn do ngủ quên, hỏng xe giữa đường, chuẩn bị đi làm thì nhà có khách... 8 giờ làm việc hành chính hằng ngày bị trừ hao dần.

Thời gian làm việc hành chính vốn đã bị "bớt đầu, bớt đuôi" song nhiều người vẫn sử dụng không hiệu quả. Thay vì mẫn cán làm việc, một bộ phận CBCCVC "giết thời gian" bằng cách buôn chuyện, chơi game trên máy tính... Có người ra ngoài với lý do "có việc" song thực chất đi mua sắm, ăn vặt...

Nhiều người vẫn tự hào nói rằng nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống cần cù trong lao động, sản xuất. Nhưng ngẫm kỹ có thực sự vậy? Cũng đã có những nhận xét hoàn toàn ngược lại. Trong sách "Văn minh Việt Nam", ông Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học nổi tiếng, nguyên Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Việt Nam (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) viết: "Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý, rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi".

Nhận xét trên chắc hẳn làm nhiều người sốc và phản đối, song chúng ta cần tôn trọng những ý kiến khác biệt. Những nhận xét trong một cuốn sách uy tín, do một trí thức nổi tiếng viết ra đáng để chúng ta phải tự vấn, tra xét thực tiễn. Tôi cho rằng việc khái quát hóa đặc tính chung của cả một dân tộc rất khó và nếu không cẩn trọng sẽ dẫn tới sự thái quá, cực đoan. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CBCCVC và người dân Việt Nam lười lao động là một thực tế không thể phủ nhận.

Vì đâu sinh ra "bệnh" tuân thủ thời giờ làm việc kém và lười lao động? Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp cổ truyền. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Ở vùng đồng bằng, sản xuất nông nghiệp cổ truyền chủ yếu là làm 2 vụ lúa/năm, một số địa phương có thêm trồng rau màu vụ đông. Sản xuất nông nghiệp thường chỉ cập rập, bận rộn vào đầu vụ sản xuất và cuối vụ thu hoạch, thời gian còn lại khá nhàn rỗi. Trong khi sản xuất công nghiệp yêu cầu bảo đảm thời gian lao động khắt khe, chính xác đến từng giây, từng phút thì sản xuất nông nghiệp lại lỏng lẻo hơn. Hôm nay chưa cày bừa, cấy hái, để 1-2 ngày sau cũng không ảnh hưởng mấy. Có việc cần làm song đi muộn, về sớm một chút cũng không sao. Do đó, ý thức chấp hành thời giờ làm việc của nông dân thường kém hơn so với người công nhân. Mặt khác, tâm lý làm dồn dập, rồi sau đó được chơi thoải mái, hoặc vừa làm vừa chơi đã trở nên khá phổ biến. Nhiều CBCCVC từng là nông dân hoặc xuất thân từ các gia đình nông dân nên chịu ảnh hưởng của tư tưởng này.

Còn nguyên nhân trực tiếp là do ý thức trách nhiệm của một bộ phận CBCCVC còn kém. Mặt khác, việc xử lý những CBCCVC ăn bớt thời gian, sử dụng thời gian chưa hiệu quả ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm hoặc chủ yếu dừng lại ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung chung. Việc xử lý kiên quyết với các lỗi này chưa áp dụng nhiều do người đứng đầu ngại va chạm, nể nang. Tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu công nhân đi muộn dù chỉ vài phút cũng bị trừ lương, tiền chuyên cần...

Việc đi làm đúng giờ, đủ giờ và dùng thời gian làm việc hiệu quả của CBCCVC tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ song không hề nhỏ chút nào. Nếu làm tốt thì năng suất, hiệu quả lao động của từng cá nhân sẽ tăng lên, đồng nghĩa với năng suất lao động toàn xã hội tăng lên, góp phần đưa đất nước phát triển. Ngược lại, bản thân mỗi CBCCVC ăn bớt thời gian, dùng thời gian kém hiệu quả thì năng suất, hiệu quả lao động của từng cá nhân và cả đất nước giảm sút, dẫn tới sự trì trệ, lạc hậu. Xây dựng văn hóa công vụ không ở đâu xa xôi mà hãy từ những việc thiết thực ấy.

TUẤN NGUYÊN (TP Hải Dương)