Nâng cao giá trị cây cà rốt
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:45, 19/02/2019
Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng phát triển cũng như xác định thị trường tiêu thụ cho loại cây này.
- Vị trí của cây cà rốt trên bản đồ nông sản của tỉnh hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?
- Vùng đất bãi trù phú ven sông Thái Bình và đặc trưng khí hậu lạnh khô là điều kiện thuận lợi để cà rốt trở thành cây trồng chủ lực của các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và thị xã Chí Linh trong vụ đông xuân. Diện tích cà rốt được duy trì khoảng 1.500 ha và cho sản lượng 50.000 tấn/năm. Toàn bộ diện tích cà rốt của tỉnh được sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP. So với các tỉnh khác, chất lượng và mẫu mã cà rốt Hải Dương nổi trội hơn hẳn.
Năm 2008, cà rốt Hải Dương được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, năm 2017 được vinh danh sản phẩm thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Cà rốt là sản phẩm chủ lực, tạo nên sự khác biệt trong bức tranh nông nghiệp của Hải Dương với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực và cả nước. Do đó, nếu khai thác tốt lợi thế này, cây cà rốt sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
- Là sản phẩm thế mạnh nhưng việc tiêu thụ cà rốt vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều thời điểm hiệu quả kinh tế chưa cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp có giải pháp gì để nâng cao lợi nhuận từ cà rốt cho nông dân?
- Trước hết, việc xúc tiến thương mại, quảng bá loại cây này vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong khi cà rốt là nông sản rất có tiềm năng xuất khẩu. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước và Trung Quốc, cà rốt của tỉnh đã tiếp cận được các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... Do đó, các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh của cà rốt Hải Dương.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật thâm canh cà rốt hiệu quả để có thể kéo dài thời gian thu hoạch, tránh thu hoạch tập trung, ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất về giao thông, điện, nước, giúp các doanh nghiệp, cơ sở thu mua cà rốt thuận lợi. Có thể xem xét tổ chức các hoạt động quảng bá cà rốt như gặp gỡ doanh nghiệp thu mua, lễ hội cà rốt... tạo điều kiện để người sản xuất và người phân phối trực tiếp trao đổi, cùng tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Từ đó hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ ổn định trước những biến động của thị trường.
Hiện cà rốt của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở dạng củ tươi. Đây là nguyên nhân làm cho đầu ra của cà rốt bị động, phụ thuộc. Các đơn vị liên quan cần phối hợp, nghiên cứu các biện pháp bảo quản cà rốt trong thời gian dài, nâng công suất chế biến các sản phẩm từ cà rốt. Có như vậy mới tránh được tình trạng được mùa, mất giá, nâng cao giá trị cây cà rốt.
- Xin cảm ơn đồng chí!
DC(thực hiện)