Bớt “giấy phép con” trong xét tuyển
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:51, 21/02/2019
Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã gây sốc cho không ít học sinh, phụ huynh khi đưa ra một tiêu chí xét tuyển phụ là nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Tiêu chí về hình thức này không thật sự cần thiết với ngành sư phạm, tạo sự phân biệt đối xử bằng ngoại hình, một kiểu phân biệt không nhân văn mà thế giới văn minh đều lên án. Thực tế cho thấy nhiều giáo viên không đạt tiêu chí này của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng có năng lực chuyên môn cũng như nhân cách tốt đã dìu dắt nhiều lớp học sinh trưởng thành, được xã hội kính trọng. Việc đặt ra tiêu chí này giống như sự phủ nhận những tấm gương như nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy khuyết tật đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc vai trò dạy học, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò. Sau những phản đối của dư luận, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã phải rút lại tiêu chí này trong xét tuyển. Điều đó cho thấy những người đề ra tiêu chí xét tuyển của trường chưa xem xét thật sự thấu đáo những điều kiện cần thiết để tuyển chọn thí sinh phù hợp với công việc làm giáo viên.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nới lỏng quyền tự chủ của các trường đại học trong khâu tuyển sinh, các trường được thoải mái đặt ra các tiêu chí phụ để xét tuyển. Những tiêu chí phụ giống như những "giấy phép con" trong các ngành kinh tế. Nếu không đạt tiêu chí cấp phép thì thí sinh dù có giỏi các môn học đến mấy cũng bị loại “ngay từ vòng gửi xe”. Vậy là cùng một ngành học nhưng mỗi trường có thể có những tiêu chí xét tuyển khác nhau, tùy theo đánh giá của trường về điều kiện thí sinh cần có để học tốt ngành học đó. Việc nảy sinh các “giấy phép con” này khiến không ít người lo ngại sẽ làm phát sinh các tiêu cực để thí sinh đạt đủ điều kiện xét tuyển. Chưa kể đến việc cùng một ngành học mỗi trường có những tiêu chí khác nhau tạo sự không thống nhất trong đánh giá năng lực học sinh, gây khó cho các em khi đăng ký xét tuyển. Nhiều tiêu chí phụ được đặt ra một cách cảm tính, không nghiên cứu, điều tra nghiêm túc, khoa học. Khi áp dụng các tiêu chí đó vào xét tuyển sẽ không tuyển được các thí sinh thực sự phù hợp với ngành học, việc đào tạo sẽ kém hiệu quả.
Không chỉ các trường đại học thích đặt các tiêu chí phụ mà ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa những tiêu chí phụ không phù hợp vào Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2019. Nổi bật là tiêu chí học sinh đạt học lực giỏi lớp 12 mới được dự thi vào các trường nhóm ngành sức khỏe. Các trường y, dược luôn nằm trong tốp lấy điểm cao nhất đồng nghĩa việc thu hút lượng lớn thí sinh giỏi nhất tham dự xét tuyển. Theo cách tuyển sinh cũ, những thí sinh đạt điểm cao 3 môn sinh học, toán, hóa học đều đủ khả năng theo học các ngành y, dược. Đặt thêm tiêu chí xét tuyển này có thể để “lọt” nhiều thí sinh đủ năng lực mà lại tuyển những thí sinh không xuất sắc bằng bởi việc đào tạo chuyên ngành cần sinh viên giỏi chuyên sâu theo lĩnh vực chứ không phải giỏi theo kiểu mặt bằng chung.
Để việc xét tuyển đại học hiệu quả, các trường lựa chọn được sinh viên phù hợp với ngành học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự nghiên cứu khoa học, bài bản về yêu cầu năng lực đối với các ngành đào tạo. Từ đó ra quy định chung về các tiêu chí xét tuyển cho các ngành học, tạo sự thống nhất chung trong cả nước. Các tiêu chí xét tuyển cần được duy trì ổn định qua các mùa tuyển sinh để học sinh chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Nên rút bớt các “giấy phép con” trong xét tuyển để hạn chế tiêu cực, tạo thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển.
LAM ANH