Đưa máy cấy vào đồng ruộng: Còn nhiều rào cản
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:55, 21/02/2019
Mặc dù cấy máy đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc mở rộng diện tích cấy máy còn gặp khó khăn
Hiệu quả kinh tế
Sau 2 năm đưa máy cấy vào sản xuất, bức tranh nông nghiệp của huyện Ninh Giang đã có những thay đổi rõ nét. Ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Năm trước, bà con còn nghi ngờ, e ngại nên diện tích cấy máy của huyện chỉ khoảng 20 ha. Sau đó nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi áp dụng cấy máy, vụ này có 500 ha cấy bằng máy. Cấy máy mang lại nhiều lợi ích, không những tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động mà còn chăm sóc lúa thuận lợi. Huyện hiện có 7máy cấy công suất lớn phục vụ nông dân gieo cấy".
Nếu như trước đây, để cấy hơn 1 mẫu ruộng, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Hồng Phúc (Ninh Giang) phải mất hơn 10 ngày. Các khâu gieo mạ, nhổ mạ, cấy đều làm thủ công nên bà Thanh rất vất vả. Song từ vụ xuân năm 2018, bà không còn phải lo lắng, tất bật mà chỉ việc đứng trên bờ ruộng theo dõi máy cấy làm thay. Bà Thanh phấn khởi: "Từ khi cấy máy, tôi không phải chạy đôn đáo tìm người cấy thuê. Chưa đầy một buổi sáng, hơn 1 mẫu ruộng đã được cấy xong, đều tăm tắp. Hơn nữa, chi phí cấy máy chỉ từ 140.000-150.000 đồng/sào, bằng một nửa so với thuê thợ".
Vụ này, 4 máy cấy và 2 dây chuyền gieo mạ khay của gia đình ông Bùi Văn Huấn ở xã Thái Dương (Bình Giang) hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ông Huấn cho biết nông dân có thói quen cấy mật độ dầy, khoảng từ 40-45 khóm/m2, trong khi cấy máy chỉ 24-28 khóm/m2 nên người dân lo ngại cấy máy sẽ làm giảm năng suất lúa. Tuy nhiên, sau vài năm, cấy máy đã chứng minh được những ưu điểm so với những phương pháp cấy khác và được nhiều hộ tin tưởng lựa chọn. Mặc dù cấy thưa nhưng khóm lúa to, đều, giúp nông dân dễ chăm sóc, sâu bệnh giảm nhiều, năng suất tăng cao.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp dụng cấy máy làm giảm áp lực về thời vụ vì năng suất tăng gấp từ 30-40 lần so với cấy thủ công. Mặt khác, cấy máy còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế hơn 30%.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Máy cấy được đưa vào đồng ruộng Hải Dương từ năm 2014 với 3 máy Kubota, đến nay toàn tỉnh đã có 44 máy. Thực tế cho thấy, trong quy trình sản xuất lúa gạo, các khâu như làm đất, cấp nước, thu hoạch đều áp dụng gần như toàn bộ máy móc nhưng khâu gieo cấy mới chỉ đạt 1,7% diện tích. Việc áp dụng cấy máy sẽ góp phần đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo. Đây cũng là hướng đi tất yếu nếu muốn hình thành một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung. Vì vậy, cần phải gấp rút thực hiện các giải pháp để mở rộng diện tích cấy máy.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, sử dụng máy cấy là phương án tối ưu để giải quyết những khó khăn về thời vụ cấp tập. Hiện nay, trong huyện cũng đã xuất hiện những mô hình cấy máy mang lại hiệu quả cao dù quy mô thực hiện còn nhỏ lẻ. Dù vậy, đây chính là cơ sở để huyện nghiên cứu, phát triển sản xuất mạ khay, cấy máy trong thời gian tới.
Tuy mang lại nhiều lợi ích, song việc mở rộng diện tích cấy máy không dễ thực hiện, trong đó trở ngại lớn nhất là sản xuất mạ khay. Để sản xuất mạ khay cần diện tích mặt bằng lớn nhưng lại chỉ sử dụng theo thời vụ. Các công cụ hỗ trợ sản xuất như giàn gieo, khay mạ, thiết bị gieo, giá thể... có kinh phí đầu tư lớn, trong khi thời gian khai thác chỉ từ 20-30 ngày/năm.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng diện tích cấy máy, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sở đang xây dựng phương án để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển mạ khay, cấy máy. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất mạ khay về vốn, mặt bằng. "Sở đang nỗ lực nghiên cứu các phương án, giải pháp để đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có gần 14.000 ha cấy máy, chiếm 25% diện tích gieo cấy và xây dựng được 60 trung tâm sản xuất mạ khay", ông Phú nói.
PV