Dịch tả lợn châu Phi chỉ có thể phòng
Kinh tế - Ngày đăng : 14:50, 27/02/2019
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, lây lan nhanh trên đàn lợn. Hiện nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và mới đây nhất là TP Hải Phòng. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh ta rất cao. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về mức độ nguy hại, các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
- Ông đánh giá mức độ nguy hại của dịch tả lợn châu Phi như thế nào?
- Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Đây là loại virus có độc lực cao, gây triệu chứng điển hình là sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, cuối cùng là chết trong vòng 2-10 ngày. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.
- Làm thế nào để phát hiện được dịch bệnh và nếu phát hiện thì phải làm gì để khống chế, thưa ông?
- Dịch tả lợn châu Phi khó có thể chẩn đoán nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường, không rõ nguyên nhân hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh thì phải lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, khi phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường như: sốt cao (hơn 410C), thở nhanh, chán hoặc bỏ ăn, mệt mỏi, ủ rũ, nằm ì; nôn mửa và tiêu chảy; mắt nhiều gỉ và chảy nước mũi; xung huyết ở chân hoặc toàn thân; các đốm xuất huyết và hoại tử trên da… thì cần báo cáo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành thú y để kịp thời lấy mẫu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh dịch.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện tại chưa có vaccine và thuốc điều trị. Vì vậy biện pháp chính là phòng, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi còn ở phạm vi nhỏ.
- Các hộ chăn nuôi và người dân cần thực hiện các biện pháp gì để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh?
- Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế việc thăm của người lạ, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, quần áo, xe vận chuyển bằng hóa chất có hoạt tính mạnh như Vikon, Benkocid, Hanlusap, vôi bột… Tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo đúng quy trình kỹ thuật và đúng thời điểm. Giảm các yếu tố gây stress cho vật nuôi và tăng cường sức đề kháng bằng thuốc bổ, vitamin tổng hợp, Glucan C. Khi nhập con giống tái đàn cần chọn mua ở những nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Giảm mật độ chăn nuôi và thực hiện tốt việc trống chuồng sau khi xuất bán, sát khuẩn bằng hoạt chất mạnh như phun khử trùng, rắc vôi bột…
Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang bước vào thời điểm tái đàn. Đây cũng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn. Do vậy, người chăn nuôi cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Xin cảm ơn ông!
TRẦN HIỀN (thực hiện)