Nhận diện nguy cơ phát tán mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:31, 02/03/2019

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đầu tiên phát hiện ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên đàn lợn nuôi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Kết quả giải trình tự gen cho thấy chủng virus DTLCP gây bệnh trên đàn lợn thuộc hai tỉnh giống nhau và tương đồng 100% về trình tự nucleotide và amino acid với chủng virus đang lưu hành tại Trung Quốc.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Văn Phan, bộ môn vi sinh vật – truyền nhiễm, Phó Trưởng Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

21-03-34_1
PGS.TS Lê Văn Phan

- Việc phát hiện ra ca bệnh DTLCP đầu tiên tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học (CNSH) thú y được thực hiện như thế nào? Mất bao lâu để xác định 1 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus DTLCP, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Phan: Ngay sau khi Trung Quốc công bố sự xuất hiện bệnh DTLCP trên đàn lợn tại nước này vào ngày 1.8.2018, Nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin và chế phẩm sinh học và Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, chuẩn bị nhân lực, vật lực cần thiết để phục vụ cho công tác nghiên cứu giám sát, phát hiện virus DTLCP.

Về cơ sở vật chất, chúng tôi có thuận lợi khi có phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn ISO 17025:2005, mã số VLAT-0023 với 51 chỉ tiêu xét nghiệm khác nhau được công nhận và đồng thời cũng là phòng thí nghiệm chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mã số LAS – NN54, vì vậy hàng năm chúng tôi chẩn đoán xét nghiệm cho hàng nghìn ca bệnh trên lợn (bệnh tại xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, PED…), trên chó mèo (Care, Parvo…) và gia cầm (cúm gia cầm H5N1, H5N6, bệnh Newcastle, Gumboro, viêm phế quản tuyền nhiễm) cho bà con chăn nuôi và doanh nghiệp.

Ngay sau khi DTLCP công bố ở Trung Quốc, nguồn mẫu bệnh phẩm thu thập được trên lợn thông qua dịch vụ chẩn đoán xét nghiệm của phòng thí nghiệm đã được chúng tôi chủ động sàng lọc virus DTLCP và tất cả các mẫu sàng lọc virus DTLCP đều cho kết quả âm tính.

Ngày 1.2.2019, phòng thí nghiệm có nhận được một mẫu huyết thanh của lợn từ một cựu sinh viên của nhà trường đề nghị xét nghiệm bệnh dịch tả lợn cổ điển và bệnh tai xanh. Mẫu huyết thanh được lấy từ 1 trang trại 20 lợn nái của người dân ở thành phố Hưng Yên với các triệu chứng lâm sàng của lợn như mệt mỏi ủ rũ, bỏ ăn, da nhợt nhạt và lạnh, nhưng nhiệt độ trực tràng khi đo là 40,5oC, máu lấy vào xi lanh khó đông, lợn nái chết rải rác. Kết quả chẩn đoán bệnh dịch tả lợn cổ điển và bệnh tai xanh đều âm tính, nhưng khi kiểm tra thêm với virus gây bệnh DTLCP bằng phương pháp PCR và Realtime PCR đều cho kết quả dương tính.

Kết quả giải trình tự toàn bộ gen P54 và P72 của virus DTLCP sau đó cho thấy kết quả hoàn toàn chính xác, chủng virus gây bệnh DTLCP tại Hưng Yên thuộc về Genotype II, tương đồng 100% về trình tự nucleotide và amino acid khi so sánh với chủng virus đang lưu hành và gây bệnh DTLCP trên đàn lợn tại Trung Quốc. Tất cả các kết quả nghiên cứu liên quan đến ca bệnh DTLCP đầu tiên này đã được chúng tôi báo cáo ngay với Cục Thú y và Bộ NN-PTNT để kịp thời cho công tác chỉ đạo xử lý.

Phòng thí nghiệm của chúng tôi luôn sử dụng đồng thời song song 2 phương pháp PCR và Realtime PCR để chẩn đoán virus gây bệnh DTLCP. Cả 2 phương pháp sẽ cho kết quả chẩn đoán sau khoảng 2 – 3 giờ tính từ lúc nhận mẫu bệnh phẩm.

21-03-34_2
Quá trình nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y

- Thưa ông, virus DTLCP đang lưu hành ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào? Tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như các quốc gia láng giềng của chúng ta ra sao?

PGS.TS Lê Văn Phan: Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, hơn nữa do tính chất nguy hiểm của virus DTLCP khi xâm nhiễm vào trại có thể gây chết lợn 100%, vì vậy sự xuất hiện bệnh DTLCP trên đàn lợn nuôi tại Việt Nam sẽ là một thử thách lớn đối với ngành chăn nuôi lợn.

Thực tế DTLCP trong thời gian vừa qua ở nước ta cho thấy dịch lây lan nhanh, bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, lợn chết rất nhanh sau khi có dấu hiệu lâm sàng ban đầu như bỏ ăn, nôn, sốt…

Theo báo cáo của OIE (từ ngày 1 – 14.2.2019), hiện tại có 11 nước thông báo đang có bệnh DTLCP, bao gồm 8 nước ở Châu Âu là Bỉ, Hungary, Bulgaria, Latvia, Moldova, Ba Lan, Romania và Ukraine. Hai nước ở Châu Á là Trung Quốc và Mông Cổ, ở Châu Phi có Zimbabwe. Như vậy có thể thấy DTLCP đã và đang chuyển dịch từ Châu Phi sang Châu Âu và Châu Á. Tại Trung Quốc, tính đến ngày 22.2, đã có 108 ổ DTLCP được phát hiện tại 27 tỉnh, thành phố và khu tự trị trên cả nước với hơn 950.000 lợn bị tiêu hủy.

Một số công bố khoa học gần đây trên thế giới cho thấy thời gian ủ bệnh DTLCP trên đàn lợn có thể kéo dài từ 4-19 ngày. Trong thời gian ủ bệnh thì virus sẽ nhân lên và bài thải ra ngoài môi trường thông qua phân, nước tiểu, mặc dù giai đoạn này lợn vẫn khỏe và ăn uống bình thường. Vì vậy rất cần có những nghiên cứu điều tra giám sát chủ động trên các đàn lợn, phát hiện động vật nhiễm virus DTLCP và áp dụng phương pháp tiêu hủy sớm, tránh lây lan ra cộng đồng.

- Đối với Việt Nam thì DTLCP là một bệnh mới và bệnh lần đầu tiên xuất hiện. Theo thông tin chúng tôi được biết hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh này, với vai trò là một nhà khoa học thì ông có những dự định nghiên cứu gì về bệnh DTLCP?

PGS.TS Lê Văn Phan: Theo ý kiến chủ quan của tôi thì có 2 nguyên nhân chính làm hạn chế việc nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh DTLCP trên thế giới:

Muốn nghiên cứu sản xuất được vắc xin phòng DTLCP trên lợn như vắc xin vô hoạt hoặc vắc xin nhược độc thì nhất thiết phải có được chủng virus phân lập từ thực địa. Các nhà khoa học, các chuyên gia về vắc xin đến từ các nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... lại không có được nguồn mẫu bệnh phẩm để phân lập virus gây bệnh vì không có dịch. Điều này đã hạn chế các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm khác nhau trên thế giới tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin. Thực tế cho thấy các công bố khoa học liên quan đến các nghiên cứu sản xuất vắc xin DTLCP trên thế giới không nhiều. Các kết quả khoa học đã được công bố cho thấy các vắc xin sản xuất ra hiện nay chưa tạo được kháng thể trung hòa đủ để bảo hộ lợn được tiêm phòng.

Vì các chủng virus DTLCP thuộc 23 genotype khác nhau và rất đa dạng về độc lực, tính kháng nguyên, đặc điểm di truyền… nên nghiên cứu lựa chọn được một chủng virus đại diện có khả năng bảo hộ chéo với các genotype khác để làm vắc xin là công việc khó khăn và cần nhiều thời gian.

21-03-34_4
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nơi đầu tiên phát hiện ra virus DTLCP lưu hành tại Việt Nam

DTLCP xảy ra tại Việt Nam là điều không ai mong muốn. Vì là bệnh mới và mới xảy ra nên chúng ta chưa có được bất kỳ thông tin khoa học đầy đủ và chính xác nào về virus gây bệnh cũng như bệnh này tại Việt Nam. Dưới góc độ là người làm khoa học thì chúng tôi đang có thuận lợi là có nguồn mẫu bệnh phẩm trong tay và chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu khác nhau như nghiên cứu dịch tễ học phân tử các chủng virus DTLCP đã và đang lưu hành và gây bệnh trên đàn lợn tại Việt Nam, nghiên cứu phân lập chủng virus gây bệnh ngoài thực địa để phục vụ các nghiên cứu sản xuất vắc xin, thử nghiệm vắc xin, tạo kít chẩn đoán nhanh… Sản phẩm vắc xin và kít chẩn đoán tạo ra sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp cho công tác phòng và chống DTLCP có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Giải được trình tự gen của các chủng virus gây bệnh ngoài thực địa vô cùng quan trọng

Virus DTLCP rất đa dạng về mặt di truyền. Những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, dựa vào trình tự gen mã hóa cho protein P72, virus DTLCP được chia thành 23 dòng (genotype) khác nhau (ký hiệu từ I – XXIII). Các chủng virus thuộc các dòng khác nhau có các đặc tính về sinh học và sinh học phân tử khác nhau.

Vì vậy, việc giải được trình tự gen của các chủng virus gây bệnh ngoài thực địa là vô cùng quan trọng, sẽ giúp cho chúng ta biết được chính xác dòng virus DTLCP nào từ I – XXIII đang gây bệnh ngoài thực địa. Kết quả giải trình tự gen của chúng tôi cho thấy các chủng virus gây bệnh trên đàn lợn tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên giống nhau và thuộc genotype II, tương đồng 100% về trình tự nucleotide và amino acid với chủng virus đang lưu hành tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi mới chỉ giải trình tự gen được 2 mẫu bệnh phẩm thu thập từ 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.

Để biết được chính xác virus DTLCP đang lưu hành và gây bệnh trên đàn lợn tại Việt Nam thuộc một hay nhiều genotype khác nhau thì chúng ta cần phải tiến hành giải trình tự gen virus DTLCP trên số lượng mẫu bệnh phẩm đủ lớn, đủ đại diện cho không gian và thời gian khác nhau tại Việt Nam.

PGS.TS LÊ VĂN PHAN

KẾ TOẠI (Nông nghiệp Việt Nam)