Bất an từ những lễ cầu an

Chính trị - Ngày đăng : 09:42, 02/03/2019

Cầu nguyện bình an là nhu cầu chính đáng và tốt đẹp nhưng việc thực hiện nghi lễ đó tại chùa lại có những vấn đề cần quan tâm.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người đổ xô đi dâng sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Cầu nguyện bình an là nhu cầu chính đáng và tốt đẹp nhưng việc thực hiện nghi lễ đó tại chùa lại có những vấn đề cần quan tâm. Tại một số ngôi chùa nổi tiếng, hàng nghìn người ngồi từ trong chùa tràn ra ngoài đường để hành lễ, ảnh hưởng tới giao thông và an ninh trật tự khu vực xung quanh. Các nghi lễ này còn kéo theo những chuyện không mấy tốt đẹp như thu nhiều tiền, kinh doanh đồ cúng... Sau khi lễ kết thúc, đám đông lại chen lấn, xô đẩy để xin lộc, tạo ra hình ảnh phản cảm tại những nơi cần sự trang nghiêm, thanh tịnh.

Không chỉ lộn xộn và phản cảm về mặt hình thức, những buổi lễ dâng sao giải hạn còn phản ánh những suy nghĩ, quan niệm lệch lạc mang màu sắc mê tín dị đoan của nhiều người dân. Nhiều người cho rằng chỉ cần làm lễ thật to là có thể tránh được mọi điều xui rủi. Việc tin tưởng, trông chờ vào những yếu tố siêu nhiên khiến con người không có động lực phấn đấu trong đời thực. Chưa kể đến những người mang suy nghĩ “giải được hạn” nên không ngần ngại làm những việc xấu mà không lo lắng đến hậu quả có thể xảy ra. Những suy nghĩ, quan niệm này hoàn toàn trái ngược với tinh thần và giáo lý của Phật giáo vốn khuyên con người làm nhiều việc thiện để nhận lại những điều tốt đẹp. Thực trạng đó rất đáng băn khoăn, lo lắng.

Ngày 20.2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an tại các chùa. Trong công văn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa” và “Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng yêu cầu các tăng ni, lãnh đạo giáo hội tổ chức nghi lễ này phải trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi.

Để những yêu cầu trong công văn này được thực hiện nghiêm túc, nghi lễ cầu an không bị biến tướng thành những hoạt động trục lợi, xấu xí, gây bất an cho xã hội, các cấp, các ngành liên quan, cũng như chính các vị tăng ni tại chùa cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của lễ cầu an, cách thực hiện nghi lễ phù hợp với giáo lý đạo Phật. Ngoài giải pháp tuyên truyền, cần có sự chấn chỉnh bằng luật pháp. Mọi người từ bậc tu hành đến dân chúng cần nghiêm túc nhìn lại hoạt động cầu an, dâng sao giải hạn đầu xuân để tự chấn chỉnh. 
Những tác động từ nhiều phía này phải được duy trì thường xuyên và quyết liệt trong một thời gian dài chứ không nên chỉ đặt ra vào mỗi dịp đầu xuân rồi tiếp tục bỏ lửng cho đến năm sau.

LAM ANH