Tập trung khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:48, 02/03/2019
Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở xã Hiến Thành theo quy định
Ngay sau khi dịch xuất hiện, các cấp, các ngành liên quan đã tập trung khoanh vùng, dập dịch, quyết tâm không để lây lan.
Dịch xuất hiện
Ông Hoàng Văn Chinh ở thôn Trại Mới, thôn An Thủy (xã Hiến Thành) bần thần nhớ lại, chỉ cách đây vài hôm đàn lợn của gia đình ông vẫn khỏe mạnh, ăn tốt, hiện nay cả đàn lợn đã ốm sốt, nằm la liệt trong chuồng. Ông Chinh cho biết: ''Ngày 26.2, tôi thấy mấy con lợn có biểu hiện sốt. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là lợn bị bệnh thông thường nên đã mua thuốc về tự chữa trị. Qua mấy ngày, lợn vẫn không khỏi, nhiều con ốm hơn. Sáng 1.3, tôi cho lợn ăn thì thấy có 4 con bị chết. Do đã nắm được thông tin về bệnh DTLCP nên tôi lên xã báo cáo tình hình''.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống gia đình ông Chinh nắm tình hình dịch bệnh và động viên gia đình đưa lợn đi tiêu hủy
Những ngày qua, ông Chinh không mua bán, vận chuyển lợn giữa khu chăn nuôi của gia đình với các khu vực khác. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, khu gia trại của ông khá gần đường giao thông. Chuồng trại chăn nuôi tuềnh toàng, vệ sinh chưa được chú trọng. Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan qua vật trung gian là chuột, chim, nguồn nước uống, thức ăn... Mấy ngày gần đây, thời tiết mưa phùn, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện để dịch bệnh có thể bùng phát.
Cùng với sự chủ động của người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã nhanh chóng vào cuộc nắm bắt tình hình dịch bệnh. Sáng 1.3 sau khi nhận được thông tin, Chi cục Thú y tỉnh đã xuống gia đình ông Chinh lấy các mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Ngay sau khi mổ lợn lấy mẫu bệnh phẩm, với các biểu hiện của lợn chúng tôi biết đây là bệnh DTLCP. Tuy nhiên, để chắc chắn, chúng tôi vẫn đưa 6 mẫu bệnh phẩm đến Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm. Kết quả cho thấy 5 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus DTLCP''.
Đàn lợn của gia đình ông Chinh được xác định bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi
Tập trung dập dịch
Ngay khi chưa có thông báo xác nhận của Chi cục Thú y vùng II, các đơn vị liên quan trong tỉnh, huyện Kinh Môn đã nhanh chóng kiểm soát tình hình chăn nuôi của gia đình ông Chinh và các hộ lân cận. UBND xã Hiến Thành phối hợp với gia đình thu gom, đưa lợn chết đi tiêu hủy theo quy định, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh nhà ông Chinh. UBND xã cũng đã thành lập 2 chốt kiểm dịch, bố trí cán bộ phun thuốc tiêu độc khử trùng cho toàn bộ xe ô tô ra vào trong xã.
Tối 1.3, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, khẳng định đàn lợn của gia đình ông Chinh bị DTLCP, công tác dập dịch được các cơ quan liên quan của tỉnh, UBND huyện Kinh Môn thực hiện quyết liệt. Xác định DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc điều trị nên sau khi họp bàn, các cơ quan chức năng và địa phương đã quyết định tiêu hủy toàn bộ số lợn của nhà ông Chinh và các hộ chăn nuôi liên kề. Tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng. Trong 3 ngày đầu, khu gia trại của ông Chinh được phun thuốc sát trùng 2 lần/ngày, 4 ngày tiếp theo sẽ thực hiện 1 lần/ngày. Bên cạnh đó, ngành thú y cử cán bộ trực tại địa phương nắm tình hình chăn nuôi và tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch. Để bảo đảm công tác phòng dịch, chi cục sẽ cấp thuốc sát trùng theo yêu cầu của địa phương.
Tính toán số lượng lợn trước khi tiêu hủy để làm cơ sở hỗ trợ người chăn nuôi
Ngoài vệ sinh tiêu độc khử trùng tại vùng ''tâm'' dịch, công tác phòng chống không để dịch lây lan sang các thôn, xã khác cũng được UBND huyện Kinh Môn chú trọng. Ngay trong đêm 1.3, UBND huyện đã thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch tại xã Hiến Thành, đồng thời cử người trực 24/24 giờ, toàn bộ xe ra vào đều được phun thuốc sát trùng. Huyện cũng ban hành quyết định công bố dịch tại xã Hiến Thành, xác định vùng dịch và các vùng uy hiếp để có biện pháp phòng chống phù hợp. Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: ''Ngay sau khi dịch xuất hiện ở xã Hiến Thành, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc. Chúng tôi sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bao vây, khống chế ổ dịch trong phạm vi hẹp, không để lây sang những nơi khác. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại các hộ, nghiêm cấm người dân giấu dịch, tẩu tán lợn bị bệnh''.
Trong những ngày tiếp theo, công tác kiểm soát dịch bệnh sẽ được UBND huyện Kinh Môn cùng các cơ quan chức năng tập trung thực hiện để ngăn chặn không để dịch lây lan và bùng phát thêm điểm mới.
Ô tô ra vào vùng dịch đều được phun thuốc khử trùng tiêu độc
THANH HÀ
Khoản b, điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do dịch bệnh như sau: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn. Theo quy định này, hiện 1 kg lợn hơi tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng. |