Những người giữ màu xanh rừng dẻ

Môi trường - Ngày đăng : 07:00, 03/03/2019

Những vạt dẻ ken dày ôm trọn núi đồi Chí Linh không chỉ có giá trị về mặt sinh thái mà còn mang lại nguồn lợi thiết thực cho người dân địa phương...

Anh Lục Văn Nhàn nhận trông nom, chăm sóc 7 ha dẻ thuần loại, 4 ha dẻ hỗn giao nhiều năm nay

Hồi sinh

Trong trí nhớ của anh Lục Văn Nhàn ở thôn Bãi Thảo 1, xã Bắc An, gần 20 năm trước cánh rừng dẻ tốt tươi, trù phú hiện tại chỉ là những ngọn đồi trọc, nham nhở gốc dẻ bị đốn chặt. Ngày ấy, cái đói, cái nghèo đã làm cho nhiều người bồng bột, tàn phá rừng dẻ tự nhiên để lấy củi bán. Khi chỉ còn lại đất đồi trơ trọi, người dân mới cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng. “Lúc mất đi rồi, người ta mới biết quý trọng. Có lẽ vì vậy mà khi có dự án phục hồi rừng dẻ, ai nấy đều đồng tình hưởng ứng như để chuộc lại lỗi lầm với núi rừng”, anh Nhàn chia sẻ.

Từ năm 2002-2007, với quyết tâm vực dậy rừng dẻ sắp suy kiệt, người dân Bắc An hăng hái tách, tỉa từng gốc dẻ, trồng bổ sung cây con, tạo khoảng cách hợp lý giữa các cây. Vất vả, cực nhọc cũng không làm các chủ rừng nản lòng, bao tâm huyết đều gửi gắm vào rừng dẻ. Không phụ công người, theo thời gian, từ các gốc dẻ cằn cỗi, mầm non trỗi dậy và hồi sinh mạnh mẽ, phủ xanh triền đồi, sườn núi. Từ xã Bắc An, phong trào trồng dẻ giữ rừng lan sang các địa phương lân cận như Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Cộng Hòa... Các chủ rừng lặn lội ngày đêm, miệt mài vun từng gốc dẻ. Giống như một phép màu của tạo hóa, rừng dẻ tái sinh chủ yếu từ chính những rễ cây, gốc khô còn sót lại. Những cây con mọc từ hạt cũng được người dân san tỉa, trồng ở khu vực phù hợp. Cây dẻ cứ thế lớn dần theo năm tháng trong sự kiên nhẫn, bền bỉ và đầy hy vọng của người trồng.

Trông nom, chăm sóc 7 ha dẻ thuần loại, 4 ha dẻ hỗn giao nhiều năm, đối với anh Nhàn, rừng dẻ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chứng kiến rừng dẻ hồi sinh từng ngày nên anh càng trân trọng, gìn giữ từng gốc dẻ. Chính vì vậy, giữa bạt ngàn cây dẻ lớn bé anh vẫn có thể nói chính xác tuổi của từng cây. “Khi dẻ khép tán, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì đã trả được món nợ cho núi rừng. Rừng dẻ nguyên sinh đã mất bởi bàn tay con người và cũng chính bàn tay ấy đã gây dựng lại một rừng dẻ tái sinh. Do đó, hiện tại người dân nơi đây coi rừng dẻ không khác gì sinh mệnh của mình”, anh Nhàn chia sẻ. 

Rừng dẻ khép tán tại xã Bắc An

Gắn bó cả một đời với rừng dẻ, ông Nguyễn Huy Thép ở khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa không thể quên những năm tháng lăn lộn ở từng bìa rừng, chăm chút từng cây dẻ. Trong câu chuyện về rừng dẻ mà ông Thép kể, mọi thứ đều vất vả, khó khăn, riêng chỉ có tình yêu mãnh liệt với cây rừng luôn dâng trào, thôi thúc ông không được từ bỏ. Ngày ấy, ông không quản nắng mưa, cất công đi khắp các địa phương lân cận tìm cây giống. Khi có cây ưng ý, ông phải vượt qua gần 2 km đường rừng chênh vênh, khúc khuỷu mới tới địa điểm trồng. Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã thấm vào đất rừng. Vết xước trên da thịt do cành khô, cây dại cũng không đếm xuể. Đến khi cây bén rễ, nỗi lo cháy rừng lại thường trực làm ông thấp thỏm không yên. Đến nay, công sức của ông cũng đã được đền đáp, rừng dẻ rộng gần 60ha mà ông tận tâm chăm sóc đã trở thành điểm nhấn độc đáo cho khu di tích Côn Sơn. 

Đứng trên Bàn Cờ Tiên nhìn xuống thung lũng núi Ngũ Nhạc, tán dẻ xanh mướt mát xếp thành tầng bậc, thu hút mọi ánh nhìn. Vào đúng mùa lễ hội, từng chùm hoa dẻ nở trắng xóa, ken dày như mâm xôi, nổi bật giữa đất trời. Hương thơm dịu nhẹ của hoa dẻ theo gió phảng phất mọi nơi, đánh thức khứu giác làm cho lòng người thấy thảnh thơi, nhẹ nhõm. “Rừng dẻ cứ ngày một xanh tốt còn mái đầu tôi đã bạc đi nhiều nhưng sự đánh đổi này là xứng đáng. Người bạn đồng hành cùng tôi trên chặng đường hồi sinh từng cây dẻ cũng đã nằm lại nơi núi rừng. Dù vậy, tôi vẫn mong muốn sẽ làm được nhiều hơn nữa cho cánh rừng này”, ông Thép tâm niệm.

Thị xã Chí Linh có hơn 1.200 ha dẻ tập trung tại các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm. Dù là rừng tái sinh nhưng đến nay nhiều cây dẻ cao trên 10 m, đường kính thân từ 30-40 cm xòe tán rộng, rễ bám chặt giữ từng tấc đất, hốc đá để bảo vệ, che chở cho người dân trước những thay đổi của thời tiết. 

Bảo tồn

Như đáp lại tấm chân tình của con người đã dày công khôi phục, những năm qua, rừng dẻ ở Chí Linh sinh trưởng, phát triển thuận lợi để tạo điều kiện cho người dân khai thác giá trị kinh tế. Dưới tán dẻ, nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí đổi đời. Hình ảnh người dân chặt đốn cây dẻ tự phát, ồ ạt đã lùi vào quá khứ, còn hiện tại rừng dẻ trở thành sinh kế, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế. Những mái nhà cao tầng rực đỏ, thấp thoáng sau bóng dẻ xanh mỡ màng chính là minh chứng rõ nét nhất cho những thay đổi trong cuộc sống của người dân nơi đây. 

Tận dụng bóng mát từ cây dẻ, các hộ xây dựng trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thương hiệu gà đồi Chí Linh cũng mang dấu ấn của những rặng dẻ tươi tốt. Gia đình anh Nhàn nuôi gà có tiếng trong vùng. Theo anh Nhàn, gà nuôi dưới tán dẻ nhanh lớn, thịt săn chắc, thơm ngon nên được ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Mỗi năm, anh nuôi hơn 1vạn con gà thịt, thu lãi cả trăm triệu đồng. Lợi ích nhân đôi khi anh sử dụng phân gà bón cho cây. Anh Nhàn phấn khởi nói: “Không ai nghĩ rằng rừng dẻ giúp người dân khấm khá đến vậy. Trước kia người dân vì đói nghèo mà chặt phá cây dẻ còn giờ đây làm giàu nhờ cây dẻ. Có lẽ vậy mà không chỉ chủ rừng, người đi rừng cũng có ý thức bảo vệ rừng dẻ hơn”.

Người dân tận dụng bóng mát của rừng dẻ để nuôi thả gà đem lại hiệu quả kinh tế cao

Tới mùa dẻ chín, người dân các xã, phường Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Bến Tắm lại hào hứng lên rừng nhặt hạt, kiếm thêm thu nhập. Thời điểm dẻ cho thu hoạch vào tháng 8 âm lịch cũng là lúc nông nhàn nên khắp các cánh rừng đều đầy ắp tiếng nói, tiếng cười của người đi nhặt hạt dẻ. Tùy từng thời điểm, mỗi kg hạt dẻ có giá bán từ 20.000-30.000 đồng. Việc nhẹ nhàng, không mất nhiều sức nên cả người già, trẻ nhỏ đều cần mẫn, miệt mài gom nhặt. 

Từ lâu, chị Vũ Thị Tuyển ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám coi việc nhặt hạt dẻ là niềm vui những lúc rảnh rỗi. Với chị, rừng dẻ giống như sợi dây kết nối tình làng, nghĩa xóm. Dưới tán dẻ, bao câu chuyện buồn vui được chia sẻ, giãi bày. "Rừng dẻ đối với chúng tôi mang ý nghĩa đặc biệt. Tuổi thơ tôi gắn với cây dẻ. Các con tôi cũng nô đùa dưới bóng dẻ mà khôn lớn. Ngoài giá trị vật chất, những cây dẻ còn là liều thuốc tinh thần không thể thiếu", chị Tuyển khẳng định.

Nở hoa vào 2 mùa trong năm là đặc trưng riêng của cây dẻ. Hoa dẻ báo hiệu mùa xuân đến và mùa thu sang. Nhờ vậy mà những người nuôi ong lấy mật có thêm nguồn lợi. Mật từ hoa dẻ có vị ngái, đậm đà hơn các loại hoa khác.

Mặc dù rừng dẻ đã phát triển ổn định song với những người bỏ công sức gây dựng, hồi sinh từng tán dẻ vẫn còn canh cánh nhiều nỗi lo. Ngước mắt nhìn vạt dẻ xanh ngút ngàn với gương mặt rạng ngời, đầy tự hào vì bản thân đã góp phần làm nên màu xanh ấy nhưng ánh mắt ông Thép vẫn chất chứa lo âu. Ông trầm ngâm nói: "Vài chục năm trước cũng từng có rừng dẻ xanh và đẹp thế này. Nhưng vì lợi ích trước mắt mà nhiều người đang tâm phá bỏ. Do đó không có gì bảo đảm rừng dẻ hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng bởi những toan tính kinh tế. Các chủ rừng đều mong muốn rừng dẻ được bảo tồn bởi nó chính là thành quả cho những nỗ lực bám đất, bám rừng của người dân gần 20 năm qua. Chỉ khi còn rừng dẻ, người dân mới còn động lực giữ rừng bởi rừng dẻ chính là sự sống, là niềm tin, khát vọng của các hộ nhận trông giữ rừng".

Rừng dẻ hồi sinh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Nhưng để rừng dẻ phát triển bền vững, người dân được khai thác nguồn lợi lâu dài thì các cấp, các ngành cần có quy hoạch bài bản, cụ thể. Khi các hộ được giao khoán coi rừng dẻ là nguồn sống thì mới có thể gắn bó và bảo vệ rừng.

DŨNG CƯỜNG