Phong cách đi chợ thân thiện với môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 15:12, 03/03/2019
Dùng làn đi chợ còn giúp không quên đồ
Dùng làn đi chợ
Buổi sáng, chợ Phủ ở xã Thái Học nhộn nhịp người bán, người mua. Các gian hàng san sát nhau, bày không thiếu bất kỳ mặt hàng nào từ đồ gia dụng, quần áo, đến thịt cá, rau quả… Chỗ này có người chọn hàng, chỗ kia có người ngã giá nhưng điểm chung của nhiều người đi chợ là đều mang theo những chiếc làn. Làn đỏ, làn xanh, làn nhựa, làn đan… nhiều loại, nhiều hình dáng, kích cỡ. Từ hơn 1 năm nay, những chiếc làn đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc của nhiều bà nội trợ xã Thái Học.
Sáng nào chị Trần Thị Việt ở thôn Phủ cũng đi bộ ra chợ Phủ mua hàng để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình trong một ngày. Dù thực đơn ngày thường không cầu kỳ nhưng vẫn phải mỗi loại một ít, thành ra cũng có nhiều thứ cần mua. Trung bình mỗi ngày đi chợ chị Việt mua từ 5-7 mặt hàng, có khi nhiều hơn. Nếu mỗi loại đựng vào một cái túi nilon, một ngày chị Việt phải sử dụng 5-7 chiếc túi. Chị Việt cho biết: “Có khi chỉ mua quả chanh, vài quả ớt, mấy cọng hành cũng mất một túi nilon. Từ khi dùng làn đi chợ tôi đã hạn chế tối đa việc dùng túi nilon, chỉ sử dụng túi nilon để bọc những thứ thực sự cần thiết thôi”.
Trước đây, chị Việt cũng như nhiều chị khác trong xã thường tay không đi chợ, đến lúc về thì khệ nệ túi to, túi nhỏ. Từ khi Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình dùng làn đi chợ, nhiều chị đã đăng ký tham gia và duy trì thực hiện mỗi ngày. Chị Việt nhận xét đi chợ bằng làn dễ thực hiện, tiết kiệm và quan trọng là góp phần bảo vệ môi trường. Dùng làn đi chợ còn giúp chị Việt tránh quên hàng. Chị từng nhiều lần rơi vào trường hợp ngồi xuống gian hàng này chọn đồ nhưng đứng lên lại quên xách theo túi hàng đã mua trước đó, chỉ nhớ cầm theo túi hàng mới.
Khi chưa dùng làn đi chợ, mỗi ngày gia đình chị Dung ở gần chợ Phủ vứt bỏ khoảng 10 chiếc túi nilon. Chị thường gom những chiếc túi nilon lại, chiếc nào có thể tái sử dụng thì giữ lại, chiếc nào không dùng được nữa thì vứt bỏ. Đến khi lượng nilon nhiều, chị đem đốt cho sạch sẽ, gọn gàng nhưng mùi khét của nilon cháy rất khó chịu, không những vậy còn gây ô nhiễm không khí. Từ khi Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình dùng làn đựng hàng khi đi chợ, ngoài duy trì thực hiện tốt mô hình mỗi ngày, chị Dung còn tích cực tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, mọi người xung quanh hạn chế sử dụng túi nilon và phân loại rác thải.
Khôi phục thói quen cũ
Mô hình dùng làn đi chợ được Hội Phụ nữ xã Thái Học triển khai từ tháng 10.2017 với mục đích giảm thiểu lượng túi nilon thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Ban đầu chỉ có 40 hội viên tham gia mô hình. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã thu hút trên 70 hội viên tham gia. Nhờ thực hiện mô hình, trung bình mỗi ngày một gia đình hội viên phụ nữ giảm 5 chiếc túi nilon thải ra môi trường. Bà Trương Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thái Học cho biết: “Dùng làn đi chợ là việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, bởi đã thay đổi về thói quen và nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ của xã trong việc bảo vệ môi trường”.
Để triển khai mô hình hiệu quả, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, lợi ích của việc dùng làn đi chợ, các biện pháp bảo vệ môi trường… Ngoài tuyên truyền trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt, trên hệ thống loa phát thanh, hội còn truyền tải các thông điệp qua các vở chèo, vở kịch... tại các hội diễn văn nghệ. Các thành viên trong mô hình nêu cao tinh thần tự giác, giám sát, nhắc nhở nhau cùng thực hiện và tuyên truyền tới mọi người xung quanh.
“Hội Phụ nữ xã mong muốn từ mô hình dùng làn đi chợ, sẽ có ngày càng nhiều chị quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 60% số hội viên sử dụng làn đi chợ, 80% số hội viên sử dụng túi nilon tự hủy”, bà Loan nói.
Trong quá khứ, xách làn đi chợ từng là thói quen của cả người dân nông thôn lẫn thành thị. Những chiếc làn đã trở thành vật dụng gần gũi, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng nhịp sống hiện đại đã khiến thói quen ấy thay đổi. Những chiếc làn nhường chỗ cho túi nilon, thậm chí bị thay thế hoàn toàn. Việc khuyến khích quay trở lại thói quen dùng làn đi chợ là việc làm cần thiết, cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, để tạo thói quen dùng làn đi chợ với một số chị em không phải dễ. Nhiều công nhân, người lao động nữ đi làm về, tạt qua chợ mua mớ rau, lạng thịt, con cá… mà bắt họ lúc nào cũng kè kè cái làn thì rất khó. Nhưng khuyến khích, tạo thói quen sử dụng túi tự hủy thân thiện với môi trường là điều hoàn toàn có thể thực hiện.
HÀ NGA