Sớm ứng dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước

Xã hội - Ngày đăng : 08:39, 06/03/2019

Để áp dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến trong chi ngân sách nhà nước cần thay đổi thói quen làm việc cũ, lạc hậu, chuyển sang duyệt chứng từ trên máy tính, ký bằng chữ ký số...


Kho bạc Nhà nước (KBNN) cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch, nhưng việc mở rộng ứng dụng dịch vụ chưa đạt kết quả như mong muốn. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Vũ Đức Trọng, Giám đốc KBNN tỉnh Hải Dương về vấn đề này.

- Dịch vụ công trực tuyến áp dụng tại KBNN có những ưu điểm như thế nào, thưa đồng chí?

- Hải Dương hiện có 1.718 đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, mở 11.311 tài khoản giao dịch, doanh số hoạt động tính tại thời điểm năm 2018 là 284.788 tỷ đồng. Việc thực hiện giao dịch thủ công, dùng chứng từ giấy đang làm mất nhiều thời gian, công sức... 

Qua triển khai thí điểm, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN đã hoạt động thông suốt; giao diện thân thiện, dễ sử dụng, xử lý nhanh và hiệu quả. Dịch vụ công trực tuyến cung cấp online các giao dịch chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đơn giản, an toàn, thuận lợi. Bản chất là đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước chuyển từ sử dụng chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Kế toán trưởng và thủ trưởng ký duyệt bằng chữ ký số. Chứng từ điện tử sau khi ký duyệt được gửi ngay sang KBNN thay cho giao dịch thủ công. Mọi thông tin được bảo mật trong suốt quá trình truyền nhận. Dịch vụ công trực tuyến đáp ứng mô hình "3 không": không dùng tiền mặt, không dùng chứng từ giấy và không thực hiện giao dịch trực tiếp với khách hàng. Dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi và giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị; hạn chế việc giả mạo chữ ký, con dấu.

Qua dịch vụ công trực tuyến, thời hạn tiếp nhận, xử lý hồ sơ được công khai hóa, cả quy trình được giám sát chặt chẽ. Trên dịch vụ công trực tuyến luôn công khai thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”, “KBNN đang xử lý hồ sơ”, “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”... Tính minh bạch về hồ sơ, chứng từ trong kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN quy trình kiểm soát chi điện tử được nâng cao. Các đơn vị chủ động cập nhật tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của mình. Lãnh đạo KBNN các cấp kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua hệ thống cảnh báo để đôn đốc, xử lý trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ thanh toán, góp phần loại bỏ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực...

- Vậy làm gì để áp dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến trong chi ngân sách nhà nước?

- Trước hết cần thay đổi thói quen làm việc cũ, lạc hậu (phê duyệt chứng từ giấy, ký tay) để chuyển sang duyệt chứng từ trên máy tính, ký bằng chữ ký số. Tuy nhiên, khi mới triển khai thường gặp một số vướng mắc nên cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ cho cả giao dịch viên, kế toán viên đến kế toán trưởng, thủ trưởng đơn vị thụ hưởng ngân sách và trong hệ thống KBNN.

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm vừa an toàn, bảo mật, vừa thuận tiện, dễ sử dụng đối với các đơn vị giao dịch. Tiếp tục rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền để cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện, đáp ứng nhu cầu giải ngân, yêu cầu kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng tiêu chuẩn, chế độ tài chính hiện hành.

Thời gian tới, KBNN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các đơn vị sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ này.

- Xin cảm ơn đồng chí!

THÀNH LONG (thực hiện)