Thay đổi cách tính xét tốt nghiệp THPT: Các trường tìm cách thích ứng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:55, 07/03/2019

Trước việc thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT, các nhà trường đã điều chỉnh chương trình dạy và ôn luyện giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi THPT quốc gia.


Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Giàng yêu cầu giáo viên củng cố kiến thức cơ bản cho học sinh

Sau nhiều năm duy trì, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Trước sự thay đổi này, các nhà trường có những điều chỉnh trong dạy học để giúp học sinh đạt kết quả thi THPT quốc gia tốt nhất.

Lo lắng

Trước đây, tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia ngang bằng nhau (đều cùng chiếm 50% tổng điểm) thì năm nay được điều chỉnh thành điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ còn chiếm30% và điểm thi THPT quốc gia chiếm 70%.   

Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT thay đổi khá đột ngột đã khiến Ban Giám hiệu của hầu hết các nhà trường và học sinh lo lắng. Học sinh ở hệ giáo dục thường xuyên và trường tư thục gặp áp lực lớn nhất. Bởi các trường này có chất lượng đầu vào khá thấp nên cách tính điểm mới này có tác động không nhỏ đến tâm lý học sinh. Theo tính toán của giáo viên, nếu học sinh có điểm trung bình cả năm được 5,0 thì điểm thi trung bình phải được 5,0. Nếu điểm trung bình cả năm là 6,0 thì điểm thi trung bình phải đạt 4,6 mới đỗ tốt nghiệp. Điều này sẽ khó khăn với những cơ sở giáo dục có chất lượng đầu vào thấp.

Cô Hoàng Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D, Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hải Dương) nhận xét: "Từ khi có thông báo về thay đổi cách tính điểm, các giáo viên dạy những môn thi tốt nghiệp THPT của trường khá lo lắng. Cách tính điểm này sẽ gây khó khăn cho học sinh của trường. Trước đây, các em khá thoải mái học tập và cố gắng phấn đấu không bị điểm liệt là có thể đỗ tốt nghiệp".

Không chỉ giáo viên mà hầu hết học sinh cũng lo lắng khi tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ còn chiếm 30%. "Chúng em bất ngờ về cách thay đổi tính điểm, nhất là gần cuối học kỳ I Bộ GDĐT mới đưa ra quy định. Nếu thông báo sớm, chúng em có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Sự thay đổi này làm chúng em học tập căng thẳng hơn và rất lo về kết quả thi sắp tới", em Nguyễn Đăng Trường, học sinh lớp 12D, Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.

Không chỉ các cơ sở giáo dục tư thục, giáo dục thường xuyên mà ngay cả thầy và trò các trường THPT công lập cũng lo lắng. Theo thầy Vũ Chí Cương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh, do chất lượng học sinh không đồng đều nên cách tính điểm xét tốt nghiệp mới sẽ tác động nhất định đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường. Hơn nữa, năm nay cách ra đề của Bộ GDĐT cũng chặt chẽ hơn. Thầy Cương cũng băn khoăn không biết đề thi chính thức liệu có bảo đảm cấu trúc như đề minh họa hay không.


Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hải Dương) cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau ôn tập

Điều chỉnh chương trình dạy

Ông Hoàng Hữu Thạnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Giàng cho biết học sinh của trung tâm hầu hết tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. Lãnh đạo trung tâm thường xuyên quán triệt, kiểm tra, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học, tập trung củng cố những kiến thức cơ bản nhất. Phối hợp với cha mẹ học sinh cùng đôn đốc, nhắc nhở các em. 

Các nhà trường cũng thực hiện kế hoạch ôn tập cho học sinh sớm hơn so với những năm trước. Dự đoán có sự thay đổi và khó khăn hơn nên ngay khi bước vào năm học mới, Trường THPT Thanh Miện III đã triển khai cho học sinh đăng ký ôn tập các môn thi tốt nghiệp. "Cùng với yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc ôn luyện cho học sinh, Ban Giám hiệu kiểm tra giáo án, kế hoạch ôn tập của giáo viên sát sao hơn. Trường đề nghị giáo viên làm tốt việc phân loại học sinh và có biện pháp giúp đỡ hiệu quả những em học lực yếu. Nhà trường cũng thường xuyên tiến hành khảo sát, cho học sinh làm đề theo cấu trúc đề thi minh họa. Từ đó đánh giá kết quả học tập của học sinh để có những điều chỉnh chương trình dạy hợp lý hơn. Đối với những môn thi mà học sinh thường bị điểm thấp như tiếng Anh, lịch sử, lãnh đạo trường yêu cầu giáo viên chú trọng hơn và giao mức điểm phấn đấu ở từng giai đoạn cho giáo viên", thầy giáo Phạm Văn Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện III nói.

Sở GDĐT cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hiểu được tính chất của sự thay đổi này và yêu cầu các trường chủ động trong dạy học, nhất là tổ chức ôn tập cho học sinh. Sở đã cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến việc ôn tập cho các cơ sở giáo dục.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh của tỉnh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT năm 2018 là 98,89%, cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 1,32% và tăng 0,37% so với năm 2017. Toàn tỉnh có 14 đơn vị có 100% số thí sinh đỗ tốt nghiệp và chỉ có 1 đơn vị có tỷ lệ đỗ dưới 90%.

DANH TRUNG