Máy tính bảng không phải người trông trẻ

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:15, 09/03/2019

Những thiết bị điện tử vô tri không phải người trông trẻ đáng tin cậy để phụ huynh giao phó con em mình trong những lúc bận rộn.

Hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, có những việc xuất phát ở một nơi nào đó tưởng chừng rất xa xôi nhưng nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu, len lỏi vào từng gia đình, có thể gây nguy hại cho các thành viên mà nếu không quan tâm sâu sát chúng ta khó lòng kiểm soát được. Ví dụ tiêu biểu gần đây nhất là việc những đoạn video phát tán trên mạng xã hội YouTube, Facebook hướng dẫn trẻ em cách tự làm hại bản thân mình thông qua một nhân vật hoạt hình tên Momo. Những đoạn video độc hại này được chèn vào giữa những chương trình lành mạnh dành cho các em. Nếu không theo dõi cùng con từ đầu đến cuối, các bậc phụ huynh không thể biết là nó xuất hiện. Hậu quả là đã có những em bé nghe theo lời hướng dẫn, có những hành động tự làm hại đến thân thể mình, thậm chí có em có ý nghĩ tự tử. Nhiều trẻ em khác vô tình xem phải đoạn video thì sợ hãi, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, cuộc sống của các em. 

Nhân vật Momo được lấy hình ảnh từ một tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ người Nhật Bản và được phát tán từ đâu đó trên thế giới. Nhưng câu chuyện lại rất sát sườn, thiết thực với phụ huynh ở bất cứ nơi đâu vì hiện nay, việc trẻ em được sử dụng máy tính bảng để xem các chương trình trên internet rất phổ biến trong các gia đình. Nhiều người đã lạm dụng máy tính bảng và các thiết bị điện tử có thể truy cập internet khác như điện thoại, laptop để dỗ trẻ con khi muốn chúng nín khóc, ăn cơm, coi như một thứ đồ chơi để trẻ giải trí, học tiếng Anh... Nhiều khi người lớn cho trẻ sử dụng các thiết bị này để mình được rảnh tay làm những công việc khác mà không cần để mắt tới trẻ nhiều, bởi khi cầm trong tay đồ vật công nghệ hấp dẫn đó trẻ thường mải mê quên nghịch ngợm. Đa phần phụ huynh yên tâm với các nội dung trẻ xem trên YouTube khi mở cho trẻ các kênh dành riêng cho trẻ em. Song các cạm bẫy luôn rình rập khi những kẻ xấu dùng nhiều mánh khóe qua mặt người quản lý các chương trình đó để cung cấp hình ảnh, nội dung phản cảm, độc hại cho trẻ em. Nếu không theo dõi sát, xem từ đầu đến cuối các chương trình này, phụ huynh rất dễ bị đánh lừa là chúng lành mạnh. Cách đây chưa lâu, ở chính Việt Nam cũng xuất hiện các video ngụy trang là chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ ở nhà nhưng hình ảnh rất phản cảm, hở hang. Những người tạo các video này tìm cách câu view, like để kiếm tiền mà bất chấp sự ảnh hưởng xấu tới trẻ. 

Các thiết bị điện tử là một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Không thể phủ nhận vai trò, tác dụng của chúng đối với việc giáo dục, giải trí dành cho trẻ em. Song những thiết bị vô tri đó không phải người trông trẻ đáng tin cậy để phụ huynh giao phó con em mình trong những lúc bận rộn. Ngoài việc hướng dẫn trẻ sử dụng thiết bị điện tử đúng cách để không hại mắt, ảnh hưởng sức khỏe, hạn chế thời gian sử dụng vừa phải, người lớn cần cùng theo dõi các chương trình phát trên đó với các em. Đó vừa là cách tăng sự giao lưu, tương tác giữa bố mẹ với con, vừa giúp phụ huynh kiểm soát được toàn bộ những gì trẻ tiếp cận trên internet. Nếu những hình ảnh, thông tin độc hại xuất hiện, bố mẹ có thể kịp thời can thiệp để không xảy ra những hậu quả xấu với trẻ. Các bậc phụ huynh cũng cần cập nhật kịp thời những xu hướng, sự kiện trên internet dù chúng có thể xuất phát từ những nơi rất xa xôi; cảnh giác với tất cả những gì có thể tác động xấu tới trẻ. Đó là sự bảo vệ trẻ hết sức cần thiết trong thời hiện đại, bên cạnh những sự chăm sóc, bảo vệ về sức khỏe, tinh thần truyền thống khác. 

LAM ANH