Xung quanh việc xây Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền. Bài 1: Bảo đảm khoảng cách đến khu dân cư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 11/03/2019

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng) có đầy đủ căn cứ pháp lý để xây dựng. Dự án thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường...

Xem clip

Người dân xã Lương Điền giám sát việc đo khoảng cách tại vị trí dự kiến đặt nhà máy

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH), phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng) do Liên danh United Expert Investments Limited và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đề xuất xây dựng đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 12.7.2018. Dự án cũng đã được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa tại Nghị quyết số 47/2017/NQ-HĐND ngày 13.12.2017 và Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 13.12.2018. Dự án nằm trong quy hoạch.

Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền có tổng mức đầu tư 45 triệu USD (khoảng 1.025 tỷ đồng), diện tích xây dựng khoảng 10,4 ha tại các cánh đồng Cửa Sở, Lò Vôi thuộc thôn Bình Long, xã Lương Điền. Theo thiết kế, nhà máy có công suất xử lý 500 tấn RTSH/ngày đêm (xử lý RTSH không phân loại). Giai đoạn 1 đến năm 2020 công suất đạt 250 tấn/ngày đêm; giai đoạn 2 sau năm 2020 đạt 500 tấn/ngày đêm. Dự án còn có 1tổ máy phát điện công suất từ 9 - 10 MW. Đây là dự án thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại điều 38 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ và thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại điểm b khoản 3 điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, một số người dân địa phương cho rằng cần áp dụng quy định tại Thông tư số 32/2009/TT-BXD về khoảng cách khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư tối thiểu 3.000 m. Về nội dung này, theo ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, Thông tư 32/2009/TT-BXD ngày 10.9.2009 của Bộ Xây dựng về việc ban hành QCVN 14:2009/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn quy định: “Khoảng cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư lớn hơn hoặc bằng 3.000 m và đến các công trình xây dựng khác lớn hơn hoặc bằng 1.000 m”. Theo quy định tại mục 1.1 của quy chuẩn này thì phạm vi và đối tượng áp dụng như sau: “Quy chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn của một xã phục vụ “Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới” thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng lập quy hoạch xây dựng nông thôn bao gồm: mạng lưới điểm dân cư nông thôn trong ranh giới hành chính của một xã, trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung”. Ngoài ra, đối tượng áp dụng của quy chuẩn này nhằm phục vụ cho “Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới” cấp xã theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 3896/VPCP-KTN ngày 10.6.2009.

Ngày 12.10.2017, tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) diễn ra Lễ động thổ, khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện. Đây là một trong những dự án do Công ty United Expert Invesments Limitted hợp tác đầu tư

Như vậy, việc áp dụng Thông tư 32 có từ năm 2009 đối với trường hợp quy hoạch xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền là không phù hợp.

Đối với dự án này, khoảng cách an toàn môi trường phải được áp dụng theo bộ QCVN 07-9:2016/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quản lý chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng của Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 1.2.2016. Theo đó, khoảng cách an toàn về môi trường của trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn và bùn thải tuân thủ theo QCXDVN 01:2008/BXD ngày 3.4.2008 của Bộ Xây dựng. Quy chuẩn này của Bộ Xây dựng quy định khoảng cách an toàn về môi trường của cơ sở xử lý chất thải rắn như sau: “Nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khí thải, sản xuất phân hữu cơ): khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500 m”. Đồng thời, bộ tiêu chí 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động được ban hành theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10.10.2002 của Bộ Y tế quy định khoảng cách bảo vệ vệ sinh: "là khoảng cách tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư". Quyết định của Bộ Y tế quy định rõ: khoảng cách 500 m đối với các nhà máy trung tâm tận dụng lại rác và đốt rác.

Đối với những kiến nghị của người dân thôn Bình Long về khoảng cách từ nhà máy đến mộ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khu an táng thôn Bình Long không đủ theo quy định, ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết theo Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng thì khoảng cách an toàn về môi trường được hiểu là khoảng cách ly cần thiết từ nguồn phát thải (nhà máy xử lý rác, nghĩa trang…) đến các công trình hạ tầng xã hội, nơi có hoạt động sinh sống, hoạt động thường xuyên của người dân. Theo Quyết định số 3733/QĐ-BYT ngày 10.10.2002 của Bộ Y tế thì: “khoảng cách bảo vệ vệ sinh là khoảng cách tối thiểu được tính từ nguồn phát thải tới khu dân cư”. Như vậy, không cần thiết phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường giữa khu an táng và các ngôi mộ với nhà máy xử lý rác thải.

Theo quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế, vị trí xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền được lựa chọn bảo đảm các quy định hiện hành (có khoảng cách tới chân các công trình xây dựng, khu dân cư trên 500 m). Khu vực này không thuộc “Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới”.

VỊ THỦY