Tuổi trẻ kỳ vọng vào cuộc đối thoại
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 07:27, 16/03/2019
Sáng 17.3, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại giữa các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Trước cuộc đối thoại này, chúng tôi đã ghi nhận những nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương
Gỡ "bài toán" cán bộ đoàn quá tuổi
Nhiều đoàn viên, thanh niên phấn khởi khi biết thông tin các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối thoại, quan tâm về các vấn đề cần sớm giải quyết như cán bộ đoàn quá tuổi, tình trạng thiếu việc làm, các chính sách, chế độ có liên quan đến thanh niên...
Đoàn Thanh niên huyện Kinh Môn hiện có nhiều cán bộ đoàn quá tuổi nhất trong tỉnh. Hiện 7 cán bộ là bí thư Đoàn Thanh niên ở các xã, thị trấn từ 36-41 tuổi chưa biết “đi đâu về đâu”. Việc cán bộ đoàn quá tuổi khiến các phong trào, hoạt động của tổ chức này kém hiệu quả, không tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội phát huy năng lực. Anh Vũ Văn Vinh, Bí thư Huyện đoàn Kinh Môn cho biết: “Mặc dù Huyện đoàn đã làm việc cùng với Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn để bố trí luân chuyển công việc cho cán bộ đoàn, nhưng các địa phương cũng chưa sắp xếp được vị trí phù hợp vì định biên cấp xã còn hạn chế, cơ sở cũng đã đủ người làm việc ở các vị trí. Nếu có thì chỉ chờ các cán bộ ở ngành, đoàn thể khác nghỉ hưu. Đề nghị tỉnh có chính sách tháo gỡ khó khăn, giúp cán bộ đoàn quá tuổi có thể luân chuyển công tác, có điều kiện để cống hiến sức trẻ của mình”.
Theo quy định, cán bộ đoàn cấp huyện và cấp xã giữ chức vụ không quá 35 tuổi, riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... giữ chức vụ không quá 37 tuổi. Hiện toàn tỉnh có hơn 70 cán bộ đoàn quá tuổi chưa được bố trí luân chuyển công tác khác.
Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển nên thanh niên có nhiều cơ hội về việc làm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành, gây lãng phí. Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa của Trường Cao đẳng Hải Dương cách đây khoảng 4 năm nhưng không tìm được việc làm phù hợp, đành phải buôn bán ở chợ. Chị Loan cho biết do chuyên ngành mình lựa chọn khó xin việc, không phổ biến trong khi ở xã cán bộ văn hóa đã có người làm. Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Cung, Bí thư Huyện đoàn Kim Thành kiến nghị: “Đề nghị tỉnh và các sở, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, nhất là những sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh. Bên cạnh đó, các trường học, các cấp bộ đoàn cần có sự phối hợp, liên kết với doanh nghiệp để giới thiệu sinh viên đến thực tập, sau đó làm việc tại các doanh nghiệp ngay trên địa bàn”.
Nhiều đoàn viên, thanh niên mong các ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn phát triển sản xuất. Trong ảnh: Nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kinh Môn hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển kinh tế
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Khởi nghiệp đang là vấn đề quan tâm của nhiều thanh niên, nhưng chọn nghề gì, triển khai như thế nào, vay vốn ở đâu… là những câu hỏi khó. Anh Nguyễn Tuấn Anh ở xã Nam Đồng (TPHải Dương) có khát khao làm giàu trên quê hương. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, anh về quê nuôi cá lồng. Tuy nhiên, khởi nghiệp với anh không hề dễ. Khi bắt tay vào nuôi, anh gặp nhiều khó khăn như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh… Anh thất bại nhiều lần, mất hàng trăm triệu đồng. “Chúng tôi rất cần các cấp, ngành về địa phương chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nuôi thủy sản, nhưng nhiều năm nay không có. Khó khăn lớn nhất vẫn là vốn để khởi nghiệp. Thanh niên chúng tôi không thể tự đi vay, phải nhờ bố mẹ đứng ra vay hộ vì không có tài sản thế chấp. Mức vay không được nhiều, đầu tháng 3 vừa qua mức vay tối đa đối với hộ nghèo mới được nâng lên 100triệu đồng cũng rất khó để thực hiện mô hình sản xuất lớn, trong khi thủ tục lại không dễ, mất thời gian”, anh Tuấn Anh bày tỏ. Ngoài ra, anh Tuấn Anh đề nghị tỉnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là phải có một diễn đàn để thanh niên trao đổi kiến thức với chuyên gia kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận được vốn vay dễ dàng nhất và có những chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp tại địa phương.
Giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp, nhiều năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Tỉnh đoàn) đã triển khai các lớp dạy nghề về nông thôn. Chị Nguyễn Thị Xiêm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Tỉnh đoàn) cho biết: “Hằng năm, trung tâm vẫn được giao chỉ tiêu dạy nghề thêu, may, đan móc sợi… cho khoảng 300 thanh niên nông thôn. Thời gian dạy nghề chỉ khoảng 2 tháng/lớp là ngắn nên chưa đủ để truyền nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, thanh niên ở nông thôn tham gia các lớp này không nhiều vì nhiều người đi làm tại các nhà máy. Một số thanh niên tham gia thì chưa kịp áp dụng vào sản xuất đã bỏ dở để làm việc khác. Nghề đào tạo còn đơn điệu chưa thu hút được thanh niên. Thời gian tới, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí để trung tâm kéo dài thời gian các lớp học, giúp thanh niên thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất tại địa phương”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 99.000 đoàn viên sinh hoạt trong tổ chức đoàn. Ngoài các vấn đề trên, nhiều đoàn viên, thanh niên mong rằng tỉnh sẽ có các giải pháp nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; cải thiện đời sống tinh thần của thanh niên công nhân; khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh niên...
PV