Đấu tranh chống gian lận thương mại: Doanh nghiệp đừng đứng ngoài cuộc
Kinh tế - Ngày đăng : 12:47, 16/03/2019
Mặc dù sản phẩm bị làm nhái nhiều trên thị trường nhưng cơ sở hương thơm Thu Hiền (Gia Lộc) ngại tố cáo đến cơ quan chức năng
Trong khi các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại (GLTM), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì vẫn có không ít doanh nghiệp thờ ơ, ngại phối hợp để xử lý hàng hóa của chính mình bị làm giả, làm nhái.
Né tránh
Cơ sở sản xuất hương thơm Thu Hiền ở Gia Lộc thường xuyên nhận được khiếu nại của khách hàng về chất lượng hương không tốt. Hương hay tắt, kém thơm, không đậu lộc… Khi cử nhân viên đi khảo sát thị trường, cơ sở này phát hiện sản phẩm của mình đã bị làm nhái khá tinh vi. Màu sắc bao bì, nhãn mác, cách bố trí các họa tiết của hương nhái rất giống với hương Thu Hiền thật, chỉ số lượng hương trong mỗi gói và số điện thoại là cố tình thay đổi. Chị Đỗ Thị Sen, chủ cơ sở sản xuất hương thơm Thu Hiền cho biết: “Sản phẩm của cơ sở bị làm giả, làm nhái ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của chúng tôi, thậm chí còn làm giảm doanh thu và thị phần. Chúng tôi phải thường xuyên kiểm soát các đại lý phân phối để bảo đảm họ không vì lợi nhuận mà nhập sản phẩm nhái hương Thu Hiền về bán kèm. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm hương Thu Hiền thật trên bao bì đều được dán tem Hologram, tem chống hàng giả tốt nhất hiện nay”. Mặc dù vậy, cơ sở này cho biết rất ngại phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.
Việc ngại chia sẻ thông tin hàng giả, hàng nhái với cơ quan chức năng thường là tâm lý chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Vũ Minh Hải, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, gần đây đã có một số ít doanh nghiệp mạnh dạn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường hoặc thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và GLTM của tỉnh để cùng kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, đa phần họ vẫn muốn tự giải quyết vì lo ngại việc thông báo với cơ quan chức năng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ làm thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hơn. Khi cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái trên thị trường và đề nghị họ phối hợp nhận biết, xử lý vi phạm thì doanh nghiệp lại khéo léo từ chối.
Theo quy định, để xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái phải có sự tham gia của các doanh nghiệp bị hại thì cơ quan chức năng mới có đủ căn cứ pháp lý xác định và xử lý. Việc các doanh nghiệp hờ hững, né tránh sẽ làm cho các cơ quan chức năng khó triển khai các giải pháp chống GLTM một cách triệt để.
Cần xử lý dứt điểm
Mới đây, Công ty CP ACE COOK Việt Nam đã tích cực phối hợp với Đội quản lý thị trường cơ động số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Hải Dương trong việc phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất muối ớt chua cay Đức Hải ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) đã gia công đóng gói muối ớt chua cay có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa. Theo đại diện công ty này, doanh nghiệp khó có thể tự mình đấu tranh chống vi phạm GLTM nếu không phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Bởi doanh nghiệp không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nếu doanh nghiệp lo sợ uy tín bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút hay người dùng tẩy chay vì phối hợp tìm ra sản phẩm, hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái thì lâu dài doanh nghiệp cũng khó có thể phát triển tốt được.
Tâm lý ngại tố cáo, phối hợp xử lý vi phạm GLTM của doanh nghiệp cũng xuất phát từ việc các cơ quan chức năng xử lý vi phạm chưa triệt để. Mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm nhưng chỉ được vài vụ rồi sau đó đâu lại vào đó. Chủ một doanh nghiệp tại TP Hải Dương (xin không nêu tên) cho biết doanh nghiệp cũng muốn hợp tác với các lực lượng liên quan đi đến cùng trong đấu tranh xử lý sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, nhưng họ chỉ xử lý được vài vụ làm ví dụ, rồi thôi. Hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả vẫn tồn tại mà chưa được xử lý dứt điểm.
Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp ngại khiếu kiện và phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường xử lý vi phạm do thủ tục rườm rà, quy định xử lý phức tạp. Để chứng minh hàng hóa của mình bị làm giả, doanh nghiệp phải tự xác minh, gửi mẫu hàng hóa bị xâm phạm đi giám định để xác định mẫu hàng hóa đó có vi phạm sở hữu trí tuệ hay không. Sau đó, doanh nghiệp muốn được bồi thường thiệt hại phải khởi kiện ra tòa, mất nhiều thời gian.
Để cuộc đấu tranh chống GLTM đạt hiệu quả, trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình. Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường cần làm tốt hơn vai trò kiểm soát thị trường, tạo niềm tin để doanh nghiệp hợp tác trong đấu tranh chống GLTM.
HẢI MINH