Vất vả ca sĩ tự do

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 10:07, 17/03/2019

Mặc dù công việc vất vả, cát sê thấp nhưng nhiều ca sĩ tự do vẫn tất bật với những show diễn dày đặc. Với họ, hát không chỉ để kiếm tiền mà còn thỏa mãn niềm đam mê.

Nhóm Anh em Band thường xuyên biểu diễn tại các quán cà phê, phòng trà với mức cát sê từ 1,5-3 triệu đồng/show

Bấp bênh

Thông thường, thời gian làm việc của những ca sĩ hát ở các quán bắt đầu từ 20 giờ 30 - 22 giờ 30. Trong thời gian ngắn ngủi này, nhiều ca sĩ đã tranh thủ chạy show ở 3 quán khác nhau. Vào những ngày cuối tuần, lịch diễn càng dày nên họ phải sắp xếp thời gian, công việc một cách khoa học để có thể bảo đảm được sức khỏe cũng như chất lượng biểu diễn. Thế nhưng không phải ngày nào cũng có show hát nên họ thường chỉ làm từ 3-4 ngày/tuần, thu nhập chỉ được từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. 

Nhóm nhạc “Anh em Band” có 11 thành viên gồm 5 cây nhạc, 6 vocal. Tất cả các thành viên đều gắn bó với nghề từ 5 - 15 năm nay. Hiện nhóm chủ yếu biểu diễn tại các quán cà phê, phòng trà ở TP Hải Dương. Lịch diễn cố định của nhóm là vào tối thứ năm và thứ bảy hằng tuần, còn lại nhận show phát sinh. Để tạo uy tín với chủ quán và thu hút được khán giả, nhóm thường xuyên tập luyện những bài hát mới và không ngừng trau dồi kỹ thuật. Ca sĩ Ngọc Long, Trưởng nhóm cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi dành khoảng 3-4 giờ để luyện giọng, tập các bài hát mới và luôn chú ý chế độ dinh dưỡng để giữ giọng ổn định. Chúng tôi cũng tập thêm các ca khúc nhạc ngoại đương đại để tạo luồng gió mới cho quán”. 

Có năng khiếu ca hát từ nhỏ nên anh Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1994, ở xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) quyết tâm theo học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Khi ra trường, anh không xin được việc làm ổn định với chuyên ngành đã học. Vì vậy, 4 năm nay, để trang trải cuộc sống anh đi hát thuê tại các đám cưới, hội nghị, phòng trà. Theo anh Mạnh, làm ca sĩ tự do khá bấp bênh, khi thì việc dồn dập, lúc mòn mỏi chờ đợi. Có những đêm anh phải chạy ngược chạy xuôi vì nhận từ 3-4 show diễn, nhiều lúc đói bụng chỉ kịp lót dạ bằng bát mỳ tôm. “Nghề ca sĩ là nghề làm dâu trăm họ, phải trau chuốt về hình ảnh, không được xuề xòa. Vì vậy, tôi rất tốn tiền mua trang phục biểu diễn. Công việc cũng áp lực vì nhiều thời điểm phải chạy sô. Hát xong ở địa điểm này, chưa kịp ăn uống đã phải di chuyển tới nơi khác. Ca sĩ phải đặc biệt chăm chút cho vòm họng vì nếu bị ốm, khàn giọng phải nghỉ trong thời gian dài sẽ mất mối diễn”, anh Mạnh nói. 

Đam mê

Mặc dù lao động nghệ thuật như một nghệ sĩ chân chính nhưng đời sống cơm áo của những ca sĩ này lại rất lận đận do mức thu nhập thấp. Nhưng đáng quý ở chỗ, họ luôn khao khát đón nhận sự trân trọng của khán giả và được sống trong môi trường âm nhạc để thỏa mãn ước mơ. Đó cũng chính là ngọn lửa giúp họ sống và theo đuổi nghề, bất chấp mọi khó khăn.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, với thâm niên gần 10 năm đi hát nhưng chị Ngô Thị Hạnh (30 tuổi, ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) bao năm nay vẫn phải lăn lộn, cực nhọc cùng nghề. Chơi tốt piano, guitar và hát rất hay dòng nhạc trữ tình... nhưng cát sê của chị chỉ vỏn vẹn từ 400.000-500.000 đồng cho 3 bài hát. Chị Hạnh cho biết: “Với các nam ca sĩ thì chỉ tốn tiền xăng xe, quần áo, giày dép, còn chị em đi hát phải tốn thêm chi phí son phấn và các phụ kiện, trang sức khác. Quần áo hầu như tháng nào cũng phải mua 2-3 bộ mới, không thì chủ quán hoặc khách hàng không thích. Do đó, thu nhập mỗi tháng của chúng tôi chẳng đâu vào đâu”. 

Thế nhưng với nhiều đồng nghiệp khác, cát sê của chị Hạnh vẫn được coi là cao, bởi giá chung hiện chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng/3 bài. Thậm chí, để “lấp giờ” cho những đồng nghiệp không đến kịp, nhiều khi ca sĩ phải cố hát thêm vài bài nhưng không được hưởng thù lao. Theo luật bất thành văn, chuyện hát thêm này được coi như phí xã giao với chủ quán để giữ mối làm ăn lâu dài. 

Hiện nay, thu nhập chủ yếu của các ca sĩ hát phòng trà chỉ dựa vào tiền cát sê bấp bênh của những đêm đi hát. Dẫu vậy, họ vẫn miệt mài theo nghề, bởi với họ ca hát là niềm đam mê chứ không hẳn là kế sinh nhai. Phần lớn những ca sĩ này không có đời sống dư dả, một số vẫn phải sống dựa vào gia đình. “Chúng tôi đi biểu diễn chỉ vì niềm đam mê chứ để sống với nghề thật sự rất khó. Mặc dù công việc này có vẻ nhàn hạ hơn song chi phí đầu tư lớn nên thu nhập thực tế không nhiều. Đa số các thành viên trong nhóm phải làm thêm những nghề khác để kiếm thêm thu nhập”, ca sĩ Ngọc Long chia sẻ.

Con đường nghệ thuật của những “nghệ sĩ quán” không những lắm chông gai mà còn nhiều cạm bẫy. Nhiều người trong giới ca sĩ vẫn nhắc nhau “dù không thân thế cũng đừng thế thân” như một lời cảnh tỉnh dành cho những ca sĩ trẻ mới vào nghề. Tuy vậy, một số người làm nghề vì không cưỡng lại được hấp lực từ thế giới hào nhoáng của showbiz và những hứa hẹn về một cuộc sống xa hoa nên đã sa ngã...

ĐỖ QUYẾT