Cần nghiêm trị kẻ tung tin giả mạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 18/03/2019

Gần đây, một số trang mạng xã hội mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, vi phạm các quy định của pháp luật.

Tài khoản facebook mạo danh Ban Tuyên giáo Trung ương

Mục đích của những kẻ này nhằm gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đời sống sinh hoạt và gây hoang mang dư luận xã hội.

Tối 10.3, tài khoản Facebook mạo danh “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam” đăng bài “Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống” đưa ra những ý kiến không đúng về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt like và nhiều bình luận mang tính kích động. Hay, chủ tài khoản facebook Đầm bầu Mami loan tin đã có hai người bị nhiễm virus tả lợn châu Phi và kêu gọi cộng đồng ngưng ăn thịt lợn để câu like bán hàng, khiến người đọc hoang mang. Khi làm việc với cơ quan chức năng, người này đã thừa nhận và nhận thức rõ tác hại của hành vi đưa thông tin không chính xác. Chủ tài khoản facebook này đã bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng…

Hiện nay, một số tài khoản mạng xã hội khác vô tư lan truyền các thông tin sai sự thật, đánh đúng tâm lý của cư dân mạng. Các thông tin này có tốc độ lan truyền rất nhanh nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Có thể thấy rằng nhiều chủ tài khoản mạng xã hội vẫn tự cho rằng việc đăng tải các thông tin sai sự thật, bịa đặt là tự do ngôn luận, sẽ không phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình đưa lên. Một số người sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ giản đơn, đọc thông tin hời hợt, không thẩm tra kỹ, có khi chỉ đọc một vài câu đã vội tin, chia sẻ, bình luận, thậm chí còn tán phát thông tin trong cộng đồng kiểu “câu chuyện làm quà”. Họ đã vô tình tiếp tay cho các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa, tạo hệ lụy cho xã hội. Nắm bắt được tâm lý đó, thời gian qua, kẻ xấu đã liên tiếp cho ra lò những trang tin mạo danh để tán phát thông tin giả mạo, độc hại.

Để đẩy lùi tin giả và làm trong sạch môi trường mạng, các cơ quan báo chí, truyền thông không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền tin chính thống đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc, mà cần tăng cường đấu tranh với tin giả, tin thất thiệt, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo, khi đăng tải thông tin lên facebook đều phải kiểm chứng thông tin đúng hay sai, thật hay giả, luôn tuân thủ Hiến pháp và luật pháp, vì lợi ích quốc gia, thể hiện có văn hóa và lòng tự tôn dân tộc. Những người tham gia mạng xã hội phải tỉnh táo khi nhận thông tin gây bức xúc nếu chưa được kiểm chứng thì không suy luận, không like, chia sẻ một cách vô cảm. Mỗi người nên có thái độ cẩn thận chọn lọc, cân nhắc khi chia sẻ các thông tin để mạng xã hội là nơi giao lưu có văn hóa, tác động tốt lên tất cả những người tham gia.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin được đăng tải, nhất là đối với các trang mạng có nhiều người tham gia. Khi phát hiện hành vi sai phạm cần tiến hành xử lý kịp thời, dứt điểm. Những kẻ tung tin giả mạo trên mạng xã hội biết rõ việc làm sai trái nhưng vẫn cố tình thực hiện nhằm mưu đồ riêng cần bị nghiêm trị trước pháp luật.

PHÙNG VĂN HẠNH