Cấp hơn 7,7 tỷ đồng để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:15, 20/03/2019

Ngày 18.3, UBND tỉnh quyết định cấp bổ sung hơn 7,7tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho Chi cục Thú y tỉnh để chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Trong đó, hơn 6,7 tỷ đồng mua hóa chất tiêu độc, khử trùng; 449,4 triệu đồng mua trang thiết bị vật tư chống dịch; số tiền còn lại dùng để mua sắm, lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền, tập huấn...

Chi cục Thú y tỉnh có trách nhiệm quản lý và thực hiện mua sắm theo đúng quy định. UBND các huyện, thành phố có ổ DTLCP cần hỗ trợ ngay cho các hộ sau 7 ngày khi có lợn bị tiêu hủy; kiểm soát chặt chẽ việc tiêu hủy và thực hiện các thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ cho các hộ theo đúng quy định.

* Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo 389 các địa phương và các lực lượng chuyên ngành liên quan tăng cường kiểm soát, nghiêm cấm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ. Ban Chỉ đạo 389 sẵn sàng tiếp nhận thông tin tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến DTLCP tại các số điện thoại 0220.3853512, 0983.252.106 và hộp thư điện tử bcd389haiduong@gmail.com.

Ban chỉ đạo yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại các chợ; phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ gia súc, không để trà trộn bán thịt lợn ốm, chết ra thị trường.


Các đại biểu hội thảo về giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Sáng 19.3, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, Hội Chăn nuôi thú y tổ chức hội thảo về giải pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP. Gần 100 hộ chăn nuôi, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia giới thiệu về bệnh DTLCP, các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh như phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi... Một số hộ chăn nuôi đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi để nhận biết dấu hiệu lợn nhiễm DTLCP; cấp thuốc sát trùng và vaccine phòng các bệnh khác cho đàn lợn. Khi DTLCP xảy ra buộc phải tiêu hủy đàn lợn, tỉnh sớm hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi để ổn định tình hình sản xuất.

* Theo đại diện UBND xã Minh Hòa (Kinh Môn), ngày 18.3, trên địa bàn xã xuất hiện thêm 1 ổ bệnh DTLCP trên đàn lợn của gia đình ông Trương Văn Rực ở thôn Ngoại. Có 12 con lợn thịt, 2 con lợn nái và 1 đàn lợn con bị chết và tiêu hủy. Cán bộ chuyên môn của xã đã hướng dẫn gia đình ông Rực vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi theo quy định. UBND xã Minh Hòa tổ chức lực lượng phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên quy mô toàn xã, phát động phong trào vệ sinh chuồng trại, nơi công cộng nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Đến nay, xã Minh Hòa đã xuất hiện 5 ổ bệnh DTLCP, là xã có nhiều ổ dịch nhất huyện Kinh Môn. Có 55 con lợn bị tiêu hủy với trọng lượng 3.973 kg.

    PV