Chủ đầu tư cụm công nghiệp Ba Hàng gặp khó
Kinh tế - Ngày đăng : 12:09, 20/03/2019
Khu đất dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh muốn thuê nhưng chưa có mặt bằng sạch
Công ty Thương mại và Vận tải Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) đã được UBND tỉnh giao đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) Ba Hàng hơn chục năm nay. Nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa xong.
Mặt bằng "xôi đỗ"
Tháng 1.2009, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thành Đạt để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Ba Hàng. CCN này có diện tích quy hoạch hơn 46 ha, trong đó diện tích đất sử dụng để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN là 45,4 ha.
Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Thành Đạt đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân để GPMB. Thậm chí để có mặt bằng đầu tư hạ tầng, gần chục năm trước, chủ đầu tư đã phải tự bỏ kinh phí ra bồi thường, hỗ trợ người dân dù phương án đền bù, hỗ trợ chưa được tỉnh phê duyệt. Dù vậy, đã 10 năm trôi qua nhưng công tác GPMB tại đây vẫn chưa xong, ảnh hưởng tới chủ đầu tư hạ tầng và tiến độ các dự án đầu tư thứ cấp. Một số dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trong CCN Ba Hàng từ 10 năm trước nhưng do chưa có mặt bằng sạch nên không thể triển khai thực hiện được, dẫn đến chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư như dự án Nhà máy chế biến măng và ô mai của Công ty TNHH Vạn Đạt, Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và sửa chữa ô tô của Công ty CP sản xuất và thương mại SD.
CCN Ba Hàng hiện đã thu hút được 14 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, diện tích đất đã cho thuê chiếm hơn nửa tổng diện tích toàn CCN. Diện tích còn lại khoảng 20 ha vẫn là diện tích đất nông nghiệp thuộc các thôn Vũ La và Đồng Ngọ, xã Nam Đồng (TP Hải Dương). Tuy nhiên, đến nay mới GPMB được khoảng 50% và không tập trung. Nguyên nhân do còn hơn 200 hộ dân có đất trong diện phải GPMB nhưng không hợp tác, kiểm kê và nhận tiền bồi thường.
Ông Đỗ Văn Tăng, Giám đốc Công ty Thành Đạt cho biết: “Chưa có mặt bằng sạch nên việc đầu tư hạ tầng cũng không được đồng bộ. Hiện nay, có doanh nghiệp đặt vấn đề thuê khoảng 10 ha đất trong CCN để đầu tư dự án lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chưa có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư”.
Trên bản đồ những ô màu trắng chưa giải phóng mặt bằng
Một số người hiểu chưa đúng về chủ trương thu hồi đất
Dự án lớn mà ông Tăng nhắc tới là Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) với tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất đồ gỗ nội thất như tủ bếp, gỗ ván sàn, cửa gỗ, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 130 lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 67 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án của Công ty CP Tân Hoàng Minh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về nguyên tắc chủ trương đầu tư. Đầu tháng 3.2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB của dự án; chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND TP Hải Dương làm rõ công nghệ sản xuất, tác động môi trường, giải pháp khắc phục và hiệu quả của dự án để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết triển khai dự án tại khu vực này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Thành ủy, UBND TP Hải Dương tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, lập kế hoạch GPMB, trực tiếp đối thoại với nhân dân, sớm hoàn thành GPMB tại CCN Ba Hàng. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh.
Liên quan đến GPMB tại CCN Ba Hàng, ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Ban GPMB TP Hải Dương cho biết: “Hội đồng GPMB thành phố đã nhiều lần tổ chức họp, phổ biến các chế độ, chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ và mời các hộ thuộc diện GPMB tiến hành kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất. UBND thành phố đã lập tổ công tác trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB CCN Ba Hàng. Mặc dù hội đồng GPMB đã vận dụng tối đa cơ chế chính sách có lợi nhất cho các hộ theo quy định nhưng nhiều hộ vẫn chưa hợp tác nên chưa bảo đảm tiến độ”.
Một số hộ không giao đất là do lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường. Một số hộ đề nghị mức giá đền bù từ 300 - 400 triệu đồng/sào. Có những đảng viên trong Chi bộ thôn Vũ La chưa đồng thuận chủ trương thu hồi đất, chưa chấp hành kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất, ảnh hưởng đến tâm lý của các hộ khác. Được biết hiện nay, trên địa bàn xã Nam Đồng có tình trạng vận động, phát tờ rơi cho các hộ dân trong diện GPMB với những lý lẽ, suy luận lệch lạc, không có căn cứ pháp luật, ảnh hưởng đến công tác GPMB tại đây.
Theo quy định, CCN là dự án nhà nước phải thu hồi đất. Như vậy, chủ đầu tư CCN Ba Hàng không phải thỏa thuận với người dân. Khoản 7, điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là phải giao lại khi Nhà nước có quyết định thu hồi. Trong trường hợp không bàn giao, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định tại điều 71 Luật Đất đai 2013.
LAN NGUYỄN