Brexit: Nước Anh trong cơn hỗn loạn
Bình luận - Ngày đăng : 16:52, 20/03/2019
Tại sao hạ viện lại bỏ phiếu chống thỏa thuận của chính phủ?
Đây là câu hỏi lớn được giới phân tích lý giải, tập trung vào 3 vấn đề cốt yếu sau:
Thứ nhất, thỏa thuận gồm những vấn đề cốt lõi nào mà Hạ viện lại bỏ phiếu chống: Trong thỏa thuận quá trình chuyến tiếp kéo dài đến ngày 31.12.2020 cho phép Anh và EU có thời gian thương lượng các mối quan hệ tương lai của họ và thích ứng với cuộc sống hậu Brexit. Quá trình chuyển tiếp có thể kéo dài thêm 1 đến 2 năm (tức đến 31.12.2022). Hơn 3 triệu công dân EU ở Anh và 1 triệu công dân Anh ở EU sẽ tiếp tục được làm việc, học tập bình đẳng với người dân sở tại theo luật pháp tương ứng, sau thời kỳ chuyển tiếp vấn đề nhập cư sẽ theo quy định của luật nhập cư. Việc Tây Ban Nha tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar của Anh sẽ được tháo gỡ trong tương lai. Hai bên sẽ tạo sự hợp tác minh bạch về thuế, chống gian lận và rửa tiền. Căn cứ của Anh ở đảo Sip, thỏa thuận bảo đảm không xảy ra tranh chấp, chia rẽ hay tước đoạt quyền lợi của hơn 1 vạn người dân đảo Sip sinh sống và làm việc tại các căn cứ quân sự của Anh và luật pháp của EU tiếp tục áp dụng ở các khu căn cứ này. Về hóa đơn Brexit bao gồm các trách nhiệm tài chính chưa giải quyết xong của Anh đối với EU, kêu gọi sự công bằng cho những người đóng thuế của Anh (Chính phủ Anh tính toán lên tới 39 tỷ bảng tức 44 tỷ Euro hay 51 tỷ USD). Điều quan trọng nhất là “điều khoản chốt chặn” thỏa thuận để ngăn sự trở lại các trạm kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland, nếu các bên không nhất trí về một thỏa thuận tự do thương mại sau quá trình chuyển tiếp. Theo thỏa thuận, Anh và EU sẽ hình thành một khu vực thuế quan chung và Bắc Ireland cũng sẽ tuân thủ các quy tắc của thị trường chung EU về sự di chuyển của hàng hóa, cho phép biên giới này tự do qua lại. Các doanh nghiệp Bắc Ireland có thể đưa hàng hóa vào thị trường chung không hạn chế và tại thời điểm bất kỳ nào sau chuyển tiếp. EU và Anh có thể quyết định rằng thỏa thuận này không còn cần thiết nữa, nhưng phải được cả hai bên nhất trí. Đây là điều mà một số nghị sĩ Hạ viện Anh lo sợ rằng nước Anh sẽ mắc kẹt vĩnh viễn trong thỏa thuận “chốt chặn” này và nó sẽ ảnh hưởng đến tham vọng phát triển một chính sách thương mại độc lập của Anh. Điều các nghị sĩ băn khoăn được Thủ tướng May hóa giải bằng văn bản tại cuộc đàm phán phút chót với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jea-Claude Juncker về 3 vấn đề chính. Đó là “chốt chặn” được bảo đảm bằng pháp lý: được viết bằng văn bản, tuyên bố chung về tương lai mối quan hệ thương mại, hai bên bàn thảo đưa ra “những thỏa thuận xếp đặt khác” thay cho “lưới an toàn chốt chặn” trong vòng 20 tháng trên tinh thần thiện chí và Anh có thể đơn phương tuyên bố sẽ sử dụng trọng tài độc lập rút khỏi những điều khoản của “lưới an toàn chốt chặn” nếu Chính phủ Anh tin rằng EU không nỗ lực để thay thế “chốt chặn” bằng những thỏa thuận xếp đặt khác. Thế nhưng các nghị sỹ Anh vẫn quyết tranh cãi về vấn đề này với lý do rằng EU sẽ phớt lờ quyền lợi của nước Anh.
Thứ hai, về phía đảng bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Thersa May: Trong nội bộ Đảng bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May có nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ, trong Hạ viện đã quay lưng lại với bà May. Chính đảng bảo thủ đã tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng nhưng bà May đã vượt qua. Trong đảng bảo thủ cũng dấy lên đồn đoán yêu cầu bà May từ chức. Cựu Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis còn cho rằng việc Thủ tướng May từ chức là “không đủ” và việc trì hoãn Brexit sẽ còn kích động tới công chúng. Giới quan sát nhận định rằng Đảng bảo thủ đã tự làm khó cho mình vì nội bộ đảng này có quá nhiều nhân vật muốn thế chân bà May.
Thứ ba, về phía công đảng đối lập: Đảng đối lập lại có những tiếng nói rất ưa thích EU và không muốn nước Anh rời ngôi nhà chung. Do đó các nghị sĩ thuộc phái này liên tục yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý lần hai để giữ Anh ở lại ngôi nhà chung. Mặt khác, Công đảng cũng đang muốn tổng tuyển cử sớm để loại bỏ Đảng bảo thủ nhằm quay trở lại cầm quyền. Mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 của đảng này đã bị Hạ viện bác bỏ.
Nguy cơ ra đi không thỏa thuận
Qua 3 lần bỏ phiếu, Hạ viện Anh vẫn chưa chọn được một phương án khả thi để rời mái nhà chung châu Âu, mà phải viện dẫn đến việc lùi thời hạn thêm 3 tháng. Đây là điều dư luận thế giới và trong lòng EU không thể hiểu được. Trong khi Chính phủ Anh mà trực tiếp là Thủ tướng May đã gồng minh để thực hiện việc nước Anh rời EU trong trật tự. Nay hạ viện đã bỏ phiếu kéo dài thời hạn kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon thêm 3 tháng thì liệu nước Anh có vẹn toàn hơn hay không? Đây là câu hỏi không chỉ của giới phân tích mà nó còn là câu hỏi cho chính các nghị sĩ thuộc hạ viện và người dân Anh. Trong khi đó, ông Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng Brexit “sẽ không có cơ hội thứ ba, sẽ không có diễn giải khác, không có thêm những bảo đảm khác”. Nhiều lãnh đạo các thành viên EU, trong đó có Thủ tướng Đức Markel, Tổng thống Pháp Macron đã lên tiếng rằng nước Anh phải nêu rõ lý do tại sao phải lùi thời hạn Anh rời EU vào ngày 29.3 và quan trọng nhất là vào tháng 5 tới đây khi cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra. Nếu nước Anh chưa rời EU đương nhiên các cử tri của Anh phải tham gia bầu cử nghị viện châu Âu vì nước Anh không thể đơn phương trì hoãn việc rời mái nhà chung mà còn cần có sự đồng thuận của 27 quốc gia còn lại của EU. Trong trường hợp chỉ cần một thành viên không đồng ý gia hạn lùi thực hiện Brexit của Anh, dẫn tới việc cả EU không đồng ý và khi ấy nước Anh phải ra đi không thỏa thuận, ắt sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường. Dường như đã đoán trước được sự việc và mâu thuẫn ngay trong nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền và tham vọng của đảng đối lập, bà May đã thẳng thừng nói rằng “Quốc hội Anh đang đi vào ngõ cụt, họ muốn rút lại Điều 50, muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2, hay họ muốn ra đi với một thỏa thuận, nhưng lại không phải thỏa thuận này (thỏa thuận đạt được giữa Anh và EU)?"
Từ mâu thuẫn đảng phái đến mâu thuẫn nội bộ đảng cầm quyền và mâu thuẫn trong dư luận và ý nguyện của người dân đang khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rơi vào tình trạng bấp bênh và “hỗn loạn”, do đó mọi dự đoán đều đem đến kết quả không chính xác, nên dư luận cứ phải chờ.
HẢI NAM