"Điểm tựa" cho học sinh yếu

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:17, 21/03/2019

Qua hơn 3 năm triển khai mô hình “Một giờ đến với học sinh yếu” ở huyện Bình Giang đã cho thấy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.


Cô giáo Phạm Thị Tươi ở Trường Tiểu học Thúc Kháng tích cực kèm cặp học sinh yếu

Trách nhiệm

Các tiết học miễn phí dành cho học sinh yếu đang được tổ chức đều đặn ở Trường Tiểu học Thúc Kháng. Nói về ý tưởng này, cô giáo Phạm Thị Nghiêm, Tổng phụ trách Liên đội nhà trường cho biết: Những năm qua, mặc dù chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên song vẫn còn không ít học sinh yếu, kém. Năm học 2016-2017, liên đội đã đề xuất với lãnh đạo nhà trường về mô hình “Một giờ đến với học sinh yếu” (từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30) nhằm giúp đỡ, kèm cặp các em tiếp thu chậm, bị hổng kiến thức ngay khi kết thúc mỗi buổi học. Trực tiếp đứng lớp là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách các chi đội. Trong năm đó, toàn thể giáo viên, phụ huynh tích cực ủng hộ và hiện 100% số lớp học đã triển khai mô hình này. 

Vốn nhiệt tình trong công tác Đoàn, cô giáo Phạm Thị Tươi luôn đi đầu nhận giúp đỡ học sinh yếu. Năm học 2018-2019, lớp 1E do cô Tươi làm chủ nhiệm có 4 em chậm biết đọc, biết viết. Trong đó, có 1 học sinh bị khuyết tật và 1 học sinh bị thiểu năng trí tuệ. Dù nhà cách trường hơn 10 km nhưng sau mỗi buổi dạy, cô Tươi đều ở lại kèm cặp cho 4 em. “Trong 1 giờ học này, tôi phải chọn bài giảng, phương pháp truyền đạt phù hợp với khả năng của mỗi học sinh. Đồng thời, tôi luôn gần gũi, động viên để các em có động lực học tập tốt hơn. Dù vất vả song khi thấy sự tiến bộ từng ngày của học sinh được mình giúp đỡ, tôi thấy yêu nghề hơn”, cô Tươi nói. 

Hưởng ứng phong trào “Khuyến khích mỗi liên đội sáng tạo một mô hình học tập hiệu quả” do Huyện đoàn Bình Giang phát động, năm học 2015- 2016, Liên đội Trường THCS Bình Xuyên đưa ra ý tưởng và thực hiện mô hình “Một giờ đến với học sinh yếu”. Đến nay, nhà trường đã giúp đỡ gần 100 học sinh yếu vươn lên học tập và rèn luyện. Năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh yếu chỉ còn 2,26%, giảm 2% so với năm học 2015-2016. Để mô hình hiệu quả, từ đầu năm học, nhà trường đã sắp xếp, phân loại đối tượng học sinh. Đồng thời, trong quá trình dạy học, giáo viên bộ môn, giáo viên phụ trách chi đội theo sát kết quả học tập để kịp thời giúp đỡ em đó. Học sinh yếu ở bộ môn nào sẽ giao cho giáo viên bộ môn đó quan tâm, kèm cặp ngay sau mỗi buổi học. Nhà trường còn bố trí lớp học phụ đạo miễn phí 3 môn: toán, văn, tiếng Anh vào chiều thứ bảy hằng tuần cho học sinh tất cả các khối lớp. Mỗi lớp có từ 10-12 em, thời gian dạy từ 1-2 tiếng. 

Cô giáo Trần Thị Hậu, Tổng phụ trách Liên đội Trường THCS Bình Xuyên cho biết: "Để khích lệ tinh thần, liên đội nhà trường kịp thời tuyên dương, khen thưởng những học sinh tiến bộ trong học tập. Việc phụ đạo cho học sinh yếu, chưa có ý thức học tập đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết của mỗi giáo viên. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc kèm cặp các em yếu". Từ một học sinh cá biệt, xếp loại học lực yếu, em P. Đ. H. ở lớp 7C đã có sự tiến bộ về ý thức học tập. Em H. chia sẻ: “Khi được các thầy cô trong trường chỉ bảo, hướng dẫn nhiệt tình, em chịu khó học bài hơn trước, đạt điểm trung bình, khá”. 

Nhân rộng

Theo nhiều giáo viên, mô hình "Một giờ đến với học sinh yếu" giúp các em tìm được hứng thú, tự giác hơn trong học tập; khắc phục tình trạng học sinh bị hổng kiến thức, không theo kịp chương trình học dẫn đến chán nản, bỏ học. Ngoài ra, nhà trường, gia đình theo sát được kết quả học tập của các em. Do đó, mô hình cần được nhân rộng ra nhiều trường khác. 

Theo ông Trần Mạnh Toàn, Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Giang, hằng năm, Huyện đoàn đều phát động phong trào “Khuyến khích mỗi liên đội sáng tạo một mô hình học tập hiệu quả” nhằm thúc đẩy phong trào khuyến học trong các trường. Năm học 2015-2016, Liên đội Trường THCS Bình Xuyên triển khai đầu tiên và có hiệu quả. Từ đó, Huyện đoàn đã kịp thời nêu gương, nhân rộng mô hình đến các trường khác trong huyện. Đến nay, toàn huyện có 3 trường thực hiện mô hình này gồm THCS Bình Xuyên, Tiểu học Tráng Liệt và Tiểu học Thúc Kháng. Dấu ấn của mô hình là tạo được sự đồng thuận từ phía gia đình và nhà trường, góp phần nhân rộng phong trào xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

THẢO NGUYỄN