Mối nguy của tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng

Bình luận - Ngày đăng : 17:23, 21/03/2019

Vụ thảm sát tại Christchurch, New Zealand chưa đầy 1 tuần trước, cướp đi sinh mạng của 50 người, vẫn còn khiến cả thế giới bàng hoàng bởi sự tàn bạo, vô nhân tính của nó.


Cảnh sát áp giải Brenton Tarrant (giữa) tới phiên tòa ở Christchurch, New Zealand ngày 16.3.2019. Ảnh: GETTY IMAGES/TTXVN

Thủ phạm không che giấu việc hắn là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, tư tưởng phân biệt chủng tộc vốn được truyền bá mạnh mẽ ở Mỹ với sự ra đời của tổ chức KKK và được cổ xúy dưới thời phát xít Đức.

Cùng với sự trỗi dậy của những phong trào “phát xít mới”, cực hữu, “bóng ma” của chủ nghĩa dân túy cực đoan đang trỗi dậy ở nhiều nước châu Âu, làm chao đảo và gây chia rẽ trong xã hội.

Ngày Quốc tế xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc 21.3 năm nay được Liên hợp quốc (LHQ) chọn chủ đề ngăn chặn các mối đe dọa từ chủ nghĩa dân túy và chủng tộc thượng đẳng cực đoan, nhằm một lần nữa cảnh báo rằng những tư tưởng thù hận, kỳ thị, chia rẽ vẫn đang tồn tại và len lỏi vào mọi ngõ ngách trên thế giới, gây ra những hậu quả khôn lường.

Nạn phân biệt chủng tộc cực đoan dựa trên tư tưởng thúc đẩy chủ nghĩa dân túy, phân biệt đối xử và đề cao chủ nghĩa thượng đẳng da trắng đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, kéo theo “làn sóng” bài ngoại chủ yếu nhằm vào những người di cư và tị nạn, người Hồi giáo hay người Do Thái.

Kỳ thị chủng tộc đã trở thành một vấn nạn ở Mỹ, dù quốc gia này luôn tự hào về hình ảnh một đất nước đa sắc tộc. Các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người gốc Phi, người Hồi giáo thường xuyên xảy ra, đặc biệt nạn cảnh sát bạo hành hay giết hại người da màu vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bất chấp nhiều giải pháp đã được triển khai, bất chấp làn sóng biểu tình với khẩu hiệu “mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa” liên tục lan rộng trên khắp nước Mỹ sau mỗi vụ người da màu bị cảnh sát bắn chết.

Tư tưởng kỳ thị chủng tộc dường như đã “ăn sâu bén rễ” trong xã hội Mỹ, sự chia rẽ và phân biệt chủng tộc là một vấn đề chưa chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết triệt để. Người da màu vẫn thuộc nhóm “bên lề xã hội”, mặc dù họ đã có những đóng góp đáng kể.

Thống kê cho thấy 2/3 trong tổng số 37% lao động Mỹ gốc Phi chỉ kiếm được những công việc đơn giản, được trả lương thấp hơn người da trắng. Bản thân Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng đã đưa ra hàng loạt chính sách cứng rắn nhằm vào người nhập cư hay người Hồi giáo, được đánh giá là mang tư tưởng dân túy.

Nguy hiểm hơn, các nhóm mang tư tưởng cực đoan, phân biệt hay thù hằn chủng tộc đã “tái sinh” mạnh mẽ tại Mỹ, như tổ chức KKK vốn chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng.

Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Luật người nghèo miền Nam Mỹ (SPLC), số lượng các nhóm có tổ chức mang tư tưởng chống người Hồi giáo trên nước Mỹ đã tăng lên gần gấp 3 lần trong năm 2016, từ 34 lên tới hơn 100 tổ chức. Hệ quả là vào tháng 10/2018, ít nhất 11 người thiệt mạng trong vụ tấn công chống lại người Do Thái bị coi là tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ tại thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania.

Tại châu Âu, các đảng dân túy cánh hữu đang lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến vấn đề nhập cư và “bản sắc dân tộc” để cổ xúy chủ nghĩa bài ngoại và bài Hồi giáo. Ở một phương diện nào đó, chính tư tưởng phân biệt, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo đã tạo mảnh đất màu mỡ để “hạt mầm” dân túy “đâm chồi nảy lộc”.  

Khi dòng người nhập cư từ Trung Đông - Bắc Phi ồ ạt đổ về châu Âu, mối lo ngại về sự thay đổi văn hóa cũng lớn không kém mối lo ảnh hưởng tới việc là hay an ninh, khiến một bộ phận người dân châu Âu phản đối người nhập cư. Không ít đảng dân túy ở châu Âu khi tranh cử đã nêu khẩu hiệu “giành lại đất nước mình”.

Chiến thắng của các đảng dân túy cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở “lục địa già” trong vài năm trở lại đây gắn liền với làn sóng bài ngoại và phân biệt chủng tộc tại châu Âu, chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư, gây chia rẽ, bất ổn xã hội trầm trọng.

Việc người dân Anh muốn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), hay phong trào biểu tình “Áo vàng” với các vụ bạo loạn kéo dài ở Pháp từ cuối năm ngoái tới nay, có mầm mống từ chủ nghĩa dân túy cực đoan. Đặc biệt, khả năng các đảng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và dân túy cực đoan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5 tới đang làm đau đầu giới chức EU bởi nó có nguy cơ phá vỡ nguyên tắc đoàn kết, hợp tác và cởi mở của khối liên minh vốn cũng đang chao đảo vì Brexit này.

Trên thực tế, việc cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, sắc tộc đã được quy định trong nhiều hiệp ước quốc tế và tạo thành yếu tố quan trọng trong pháp luật của nhiều quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có hiệu lực từ năm 1969 và đến nay đã được 170 nước trên thế giới phê chuẩn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn và di cư tháng 9/2016, các lãnh đạo thế giới đã nhất trí với chiến dịch “Together” mà LHQ đưa ra nhằm thúc đẩy bảo vệ mạng sống, chia sẻ trách nhiệm và thúc đẩy sự tôn trọng dành cho người tị nạn, nhập cư trên khắp thế giới...

Tuy nhiên, việc thủ phạm vụ xả súng sát hại người Hồi giáo tại Christchurch mang theo hàng loạt biểu tượng của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng trong xe, trên vũ khí, cho thấy công cuộc xóa bỏ tư tưởng cực đoan, phân biệt chủng tộc không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới kết nối mở qua các mạng xã hội như hiện nay.

Những nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, bài ngoại và tư tưởng thượng đẳng, kỳ thị người di cư, tị nạn, người Hồi giáo hay người gốc Phi đang được lan truyền qua Internet. Những video của sát thủ gây ra vụ thảm sát tại New Zealand cho thấy hắn đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan cánh hữu toàn cầu từ nhiều nhóm cực đoan khác nhau ở châu Âu, Australia và Bắc Mỹ, và chính đoạn băng hình mà tên này ghi lại vụ xả súng, sau khi được tải lên mạng, cũng nhận được “sự hưởng ứng” của nhiều đối tượng cực đoan khác trên thế giới.

Trước thực trạng này, báo cáo viên đặc biệt của LHQ, bà E. Tendayi Achiume đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của các chính phủ và các công ty công nghệ trong việc tôn trọng nguyên tắc quyền con người.

Hằng ngày, nạn phân biệt chủng tộc tiếp tục âm thầm tước đoạt quyền lợi cơ bản của con người như lao động, nhà ở và đời sống xã hội thông qua những điều luật bất công. Còn trong những vụ tấn công bạo lực như vụ thảm sát ở New Zealand vừa qua, nạn phân biệt chủng tộc cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Khi mà những tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng chưa bị xóa bỏ, cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới, nơi mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, cũng như có tiềm năng để đóng góp mang tính xây dựng cho sự phát triển và thịnh vượng của xã hội, sẽ là một chặng đường dài đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa.

Theo TTXVN