Anh Thành mê cổ vật
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 14:44, 24/03/2019
Anh Thành bên chiếc tủ trưng bày nhiều cổ vật thời Đông Sơn
Yêu nét cũ, dấu xưa
Cái duyên dẫn anh Thành đến với cổ vật khá tình cờ. Năm 2001, anh đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, ở đây anh đã học được nghề tạo hình cây cảnh. Năm 2007, khi về nước anh tiếp tục làm nghề tạo hình, mua bán cây cảnh. Trong một lần đến tỉnh Bến Tre để bán cây, anh mua được một chiếc bình vôi cổ do người dân vớt được dưới sông. Từ đây, anh bắt đầu thích và sưu tầm đủ loại đồ cổ như lộc bình, lư, chum, thạp, bát đĩa, ấm chén, đồng hồ, hoành phi câu đối, bàn ghế, sập gụ, tủ chè… có niên đại từ 100 năm trở lên. “Mỗi cổ vật đều có đời sống và cái hồn riêng. Qua cách sản xuất, tạo hình của mỗi sản phẩm, ta thấy được sự phát triển của nghệ thuật, đời sống, văn hóa từng thời kỳ. Vì vậy, mỗi khi đi đâu về nhà, nhìn ngắm những cổ vật này tôi thường chìm đắm trong hoài niệm về thời xưa cũ mà quên đi hết mệt mỏi”, anh Thành chia sẻ.
Chỉ cần có người mách ở đâu có cổ vật giá trị là anh lại lên đường. Nhiều lần anh Thành đi dọc đất nước bằng xe máy để săn cổ vật. Nếu như nhiều người chơi cổ vật thiên về xu hướng sưu tầm một loại cổ vật như gốm sứ xanh trắng (gốm sứ trắng men màu xanh coban), đồng hồ, hoành phi câu đối, âm ly loa đài, bàn ghế, sập gụ, tủ chè… thì anh lại sưu tầm tất cả các loại, miễn là cổ vật có niên đại từ 100 năm trở lên. Anh thường chỉ sưu tầm những vật dụng còn tương đối nguyên vẹn vì chúng vẫn giữ nguyên được giá trị. Một lần anh được mách ở tỉnh Hà Giang có người đào được rất nhiều bát, đĩa cổ nhưng khi đến nơi thì họ chỉ đào được toàn mảnh vỡ. Chuyến đi dù công cốc nhưng anh vẫn phải trả tiền “hoa tiêu” 3 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn nghỉ.
Nhớ ngày đầu tiếp xúc với đồ cổ, anh Thành đã nhiều lần mất tiền oan vì bị lừa mua phải đồ mới làm giả cổ. Từ những lần như vậy và học thêm kiến thức trong sách vở, anh đã tích lũy được kiến thức khá phong phú về các loại cổ vật mà nhiều người yêu thích. Cách đây vài năm anh biết ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) có người muốn bán hai chiếc lộc bình Vạn Ninh - Móng Cái có niên đại hơn 200 năm. “Hoa tiêu dẫn tôi đến một ngôi nhà rất cũ ở một nơi hẻo lánh vùng Nga Sơn, khẳng định gia chủ vì nhà có việc nên mới phải bán đi đôi lộc bình do các cụ để lại này. Nhưng khi tôi xem xét hóa ra đây là bình gốm Chu Đậu mới, họ ngâm axit, tẩm lân, mài… tạo ra độ phong hóa để lừa người mua. Đã mất công đi lại, tôi tiếp tục mất tiền hoa tiêu. Những chuyến đi công cốc như vậy không hiếm”, anh Thành kể. Đến nay, anh Thành đã mua nhầm và bị lừa mất khoảng 500-700 triệu đồng cho những đồ giả cổ.
Lưu giữ giá trị văn hóa
Sau hơn 10 năm miệt mài sưu tầm, đến nay, anh Thành đã có gia tài đồ cổ khoảng 500 cổ vật gồm bình vôi, lộc bình, điếu, con vật trang trí, lư, chum, lọ, thạp, thuỷ chì (lọ đựng mực vẽ), nồi ba chân, giáo, mác, rìu, bát đĩa, ấm chén, hoành phi… của các thời Đông Sơn, Hán, Lý, Tiền Lê, Trần, Lê-Mạc, Nguyễn. Không chỉ có đồ cổ Việt Nam, anh còn sưu tầm bát, đĩa, ấm chén của các triều đại Minh, Thanh (Trung Quốc), đồng hồ, loa đài cổ do các nước Pháp, Đức, Italia… sản xuất. Theo anh Thành, mỗi cổ vật trong bộ sưu tập của anh có giá từ 5-100 triệu đồng tuỳ theo niên đại và giá trị. Anh Thành còn có ý thức sưu tầm những đồ cũ thời kỳ bao cấp.
Những cổ vật lâu đời nhất trong bộ sưu tập của anh là một số đồ đồng thời Đông Sơn từ cách đây hơn 2.000 năm như thạp, nồi ba chân, mảnh trống đồng, búa, rìu, mũi giáo... Số cổ vật này anh mua được của một số thợ buôn cổ vật ở tỉnh Thanh Hóa cách đây nhiều năm. Đây là những công cụ sản xuất, phục vụ đời sống hằng ngày cũng như vũ khí chiến đấu của người Việt cổ trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ sau này. Anh Thành cũng đã hiến tặng phần lớn cổ vật Đông Sơn trong bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng tỉnh cách đây nhiều năm. Thời điểm đó anh cũng hỗ trợ Bảo tàng tỉnh thẩm định, đánh giá các hiện vật thời Đông Sơn được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng.
Một trong những cổ vật anh Thành thích nhất trong bộ sưu tập của mình là bộ hoành phi câu đối mua cách đây nhiều năm ở một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc ở tỉnh Thái Bình. Bộ hoành phi câu đối này có niên đại hơn 100 năm, gồm 1 bức đại tự và 2 bức hoành phi. Bức đại tự có chữ “Duy tư tắc” nghĩa là suy nghĩ hoặc làm việc gì cũng phải làm theo phép tắc, 2 hai câu đối mang ý nghĩa tôn vinh vị trí, vai trò của học thức trong xã hội. Khi anh Thành muốn mua, chủ nhà không bán vì đây là bộ hoành phi câu đối do các cụ để lại. Sau này khi gia chủ chuyển sang nước ngoài sinh sống, không mang theo được nên đã bán cho anh Thành với giá 80 triệu đồng.
Yêu hoài niệm và những gì xưa cũ, anh Thành đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm được các cổ vật có giá trị. Cùng với những nhà sưu tầm cổ vật tư nhân trong tỉnh, anh Thành đã góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
VIỆT QUỲNH