Hãi hùng nhà vệ sinh bệnh viện

Xã hội - Ngày đăng : 14:24, 25/03/2019

Do cơ sở hạ tầng của một số nơi đã xuống cấp cộng với ý thức của nhiều người còn hạn chế nên nhà vệ sinh ở một số bệnh viện, trung tâm y tế thực sự trở thành nỗi ám ảnh.

Nhà vệ sinh ở Bệnh viện Phụ sản tỉnh khiến nhiều bệnh nhân và người nhà phát sợ

Cơ sở vật chất xuống cấp

Ngày 18.11.2016, Bộ Y tế ra Quyết định số 6858/QĐ-BYT về việc ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam. Trong đó, tiêu chí số 8 quy định người bệnh được sử dụng buồng bệnh vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện. Nhưng trên thực tế điều này không đơn giản.

Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện được xây dựng cách đây vài chục năm. Cùng với sự xuống cấp của các dãy nhà, khoa phòng làm việc thì những nhà vệ sinh cũng chung cảnh ngộ. Các nhà vệ sinh thường được bố trí ở cuối mỗi dãy nhà, khoa phòng và đều có chung thực trạng là khá xập xệ. Một số cửa nhà vệ sinh, bóng điện, bệ bồn cầu bị hỏng, nước rỉ ra thấm ẩm khiến những góc tường rêu mốc xanh. Người dùng thiếu ý thức khi sử dụng, việc dọn dẹp cũng không thường xuyên nên các nhà vệ sinh đều bốc mùi hôi rất khó chịu.

Ông Vũ Duy Ánh (71 tuổi) ở xã Chi Lăng Nam đang điều trị ở Khoa Nội (Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện) cho biết: "Với tôi, mỗi lần đi vệ sinh là một lần ám ảnh. Nhà vệ sinh chỉ có duy nhất một phòng có bệt ngồi, còn lại là các bệ ngồi, trong khi đó cửa bị hỏng nên nhiều người thường chốt cả cánh cửa ngoài làm nhiều người phải chờ đợi. Cả khoa có vài chục bệnh nhân và người nhà mà chỉ có 1-2 nhà vệ sinh nên nhiều khi bệnh nhân phải chờ đợi rất bất tiện. Tôi chỉ mong nhanh khỏi bệnh để được về nhà".

Nhà vệ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh cũng để lại nỗi ám ảnh với nhiều người từng đến đây khám bệnh, điều trị. Sàn nhà nhơm nhớp nước bẩn, trơn trượt nên đã có người bị ngã trong nhà vệ sinh. Khổ nhất là những phòng bệnh ở gần nhà vệ sinh, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi, mùi khai bốc lên nồng nặc. Do nền móng của Bệnh viện Phụ sản tỉnh thấp hơn so với mặt đường nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, bệnh viện lại bị ngập kéo theo rác nổi lềnh phềnh. Cơ sở hạ tầng của bệnh viện xây dựng từ lâu, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp. Mỗi tháng bệnh viện phải thuê thông tắc cống nhiều lần. Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh, hiện nay, những biện pháp mà bệnh viện triển khai nhằm khắc phục tạm thời tình trạng trên như chống thấm dột, sửa chữa thiết bị, thông tắc cống chỉ như muối bỏ bể. Điều mong muốn nhất bây giờ là bệnh viện sớm được xây lại.

Ý thức kém

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Dung, người phụ trách công tác vệ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh, đội ngũ vệ sinh của bệnh viện gồm hơn 20 người thường xuyên dọn dẹp. Công việc dọn dẹp vốn đã vất vả lại do ý thức của người bệnh, người nhà còn kém nên nhiệm vụ của các chị càng nặng nề hơn, nhiều lúc làm không xuể. Mỗi buổi sáng, chị Dung cũng như những nhân viên khác không khỏi ngán ngẩm về "bãi chiến trường" sau một đêm. Dù đã có thùng đựng rác nhưng giấy, băng vệ sinh, bỉm của người lớn và trẻ em vứt bừa bãi, thức ăn thừa vương vãi trên sàn nhà. Bệnh viện đã bố trí 2 thùng đựng rác sinh hoạt và rác y tế riêng nhưng nhiều người vẫn vứt lung tung. Mùi hỗn tạp của chất thải cộng với mùi của thức ăn thừa khiến không ít người bước vào nhà vệ sinh phải... bịt mũi chạy. Bồn rửa mặt cáu két những vết bẩn nhờn, những bệ xổm, bồn cầu không được người dùng xả nước sau khi sử dụng. Nhà vệ sinh gần như chỉ đỡ hơn một chút sau khi có người dọn dẹp, lúc không có bóng dáng của nhân viên vệ sinh đâu lại vào đấy. Chúng tôi trực tiếp chứng kiến khi nhân viên vẫn miệt mài dọn dẹp thì có người vào đi vệ sinh xong không dội nước, nhân viên gọi với theo: "Cô ơi! Cô không dội nước à?". Nhưng người phụ nữ vẫn chẳng nói chẳng rằng, cất bước đi thẳng. Nhân viên vệ sinh cho biết những trường hợp xử sự như vậy không phải là hiếm.

Một nhân viên vệ sinh ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết: "Nhiều khi chúng tôi nhắc nhở người nhà và người bệnh giữ gìn vệ sinh chung thì họ quay ra phản ứng. Thậm chí có nhiều người còn bảo: Chúng tôi làm thế thì các bà mới có việc để làm. Chưa kể có những người đi vệ sinh ngay trên sàn nhà, rất khổ cho nhân viên dọn dẹp".

Nhà vệ sinh bẩn không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ sinh sôi, lây lan mầm bệnh. Các bệnh viện, trung tâm y tế có công trình vệ sinh đã xuống cấp cần quan tâm sửa chữa, khắc phục. Người dân cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung để nhà vệ sinh ở các bệnh viện không còn là nỗi sợ hãi với nhiều người.

HOÀNG QUÂN