Phát triển nghề công tác xã hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:13, 26/03/2019

Năm nay là năm thứ ba nước ta kỷ niệm Ngày Công tác xã hội (CTXH) Việt Nam 25.3.

Mục đích của hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam...

Những mục đích này được nêu rõ trong văn bản chỉ đạo lấy ngày 25.3 hằng năm là Ngày CTXH Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ. Qua đây khẳng định thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của nghề CTXH là chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già... Những người làm CTXH nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội về sự bất công, sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế, với những chức năng chính gồm chữa trị, phòng ngừa, phục hồi và phát triển. Cái đích lớn nhất của nghề CTXH là xác định đúng nguồn lực bên trong và bên ngoài để giúp mọi tập thể, cá nhân gỡ bỏ khó khăn, khúc mắc, giải quyết đúng nhu cầu của con người theo quy chuẩn chung của xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững.

Dù có tầm quan trọng như vậy nhưng hiện nay ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng, việc phát triển nghề CTXH chưa thực sự tương xứng. Thực tế có rất nhiều vấn đề trong xã hội cần đến sự can thiệp, hỗ trợ, giải quyết của nhân viên CTXH. Đến cuối năm 2018, tỉnh ta có 15.255 hộ nghèo (chiếm 2,53%) và 19.292 hộ cận nghèo (chiếm 3,2%). Toàn tỉnh cũng có khoảng 37.000 người khuyết tật ở mọi lứa tuổi. Tình trạng bạo lực gia đình, trẻ em vẫn diễn ra... Tuy nhiên, đến nay ở tỉnh ta mới có một số trung tâm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số bệnh viện có phòng hoặc ban CTXH. Hầu hết các phòng, ban này đều hoạt động vì mục đích của cơ quan chủ quản. Những người làm CTXH ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm. Họ là cán bộ của các ngành, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, chữ thập đỏ, người cao tuổi, MTTQ... Nhiều người thiếu kiến thức, kỹ năng làm CTXH, không chuyên tâm làm việc. Do đó, khi tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư thì tính hiệu quả không cao, thiếu bền vững. Đa phần hoạt động của nghề CTXH tại cơ sở thiên về hỗ trợ nhân đạo, chỉ giải quyết "phần nổi" chứ chưa có nhiều hoạt động mang tính chiều sâu, bền vững...

Cần nhận thức đúng tầm quan trọng của nghề CTXH để có chính sách phát triển tương xứng. Một việc làm cần thiết là tổ chức hoạt động hiệu quả ở các lĩnh vực cần đến sự tham gia của nhân viên CTXH. Tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người làm nghề CTXH. Phải có cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm hỗ trợ người làm CTXH giải quyết vấn đề thấu đáo, hiệu quả, mang tính bền vững. Tích cực kêu gọi cộng đồng chung tay đối với các hoạt động liên quan đến CTXH...

NGỌC THANH