Bệnh sởi diễn biến phức tạp vì không tiêm vaccine

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:18, 26/03/2019

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sởi đang có những diễn biến phức tạp.



Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông CAO XUÂN AN, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.

- Từ đầu năm đến nay, ở một số tỉnh miền Bắc, số ca mắc sởi tăng cao so với cả năm 2018. Diễn biến bệnh sởi trong tỉnh có gì bất thường không, thưa ông?

- Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm nay, số ca mắc bệnh sởi ở một số tỉnh miền Bắc tăng cao so với năm 2018 và tỉnh ta cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm đến ngày 22.3, toàn tỉnh đã có 60 trường hợp sốt phát ban dạng sởi (có 33 trường hợp dương tính), trong khi cùng kỳ năm 2018 không có ca nào mắc sởi. Đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ em. Trong đó, 93,4% số trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Đáng chú ý là có 10 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm vaccine. Ngoài các ca bệnh xuất hiện rải rác, trong tháng 2, toàn tỉnh đã xuất hiện 1 ổ dịch sởi ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) với 10 người mắc. Sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp triển khai các biện pháp xử lý, ổ dịch đã được khống chế và chấm dứt.

- Đâu là nguyên nhân khiến cho tình hình bệnh sởi có diễn biến bất thường? Tại sao có những trường hợp trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine nhưng đã mắc sởi hoặc có những trẻ đã tiêm nhưng vẫn mắc bệnh?

- Thông thường, dịch sởi sẽ bùng phát mạnh theo chu kỳ 4-5 năm 1 lần. Năm 2019 cũng là thời điểm tròn 5 năm kể từ thời điểm dịch sởi bùng phát trên quy mô lớn (năm 2014). Vaccine phòng bệnh sởi nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi thì tiêm mũi 1, khi trẻ đủ 18 tháng tuổi thì tiêm mũi 2. Mỗi năm, tỉnh ta có khoảng 30.000 trẻ thuộc diện tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trung bình, hằng năm, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine phòng sởi của tỉnh ta đạt khoảng 98%, nghĩa là hằng năm vẫn có khoảng 600 trẻ không được tiêm (trong 5 năm sẽ có khoảng 3.000 trẻ không được tiêm vaccine phòng sởi). Đây cũng là nguy cơ tạo điều kiện cho virus sởi lây lan trong cộng đồng.

Sở dĩ có những trẻ đã tiêm đủ số mũi vaccine nhưng vẫn bị mắc bệnh bởi tiêm vaccine không có nghĩa là tạo miễn dịch 100%, mà vẫn có xác suất mắc bệnh dù rất thấp. Có những trẻ chưa đến độ tuổi tiêm nhưng đã mắc bệnh là do miễn dịch của người mẹ không đủ hoặc không có để truyền cho con khiến trẻ không có sức đề kháng, dễ mắc bệnh.

- Người dân cần thực hiện các biện pháp gì để phòng tránh bệnh sởi, thưa ông?

- Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi là tiêm vaccine. Do đó các bậc phụ huynh cần ghi nhớ lịch sử tiêm chủng của trẻ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, bảo đảm đủ số lượng mũi tiêm. Để hạn chế các trường hợp trẻ chưa đến 9 tháng tuổi nhưng đã mắc sởi thì những phụ nữ có ý định mang thai cần đến các các cơ sở tiêm vaccine dịch vụ để tiêm phòng bệnh sởi. Người dân cần giữ gìn vệ sinh thân thể, răng miệng, súc miệng bằng nước muối hằng ngày. Giữ cho nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ vì virus sởi tồn tại kém ở môi trường bên ngoài, nhất là nơi có ánh nắng trực tiếp. Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế tập trung nơi đông người.

- Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRANG (thực hiện)