Bình Giang chủ động chống hạn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:36, 27/03/2019
Huyện Bình Giang sử dụng phương án tưới tiết kiệm để chủ động chống hạn
Là địa phương có nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nên nhiều năm huyện Bình Giang xảy ra tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng tới vụ chiêm xuân. Để khắc phục, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp chủ động chống hạn.
Căng thẳng
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Bình Giang được lấy từ 3 tuyến kênh chính là Kim Sơn, Đĩnh Đào và Tây Kẻ Sặt. Ngoài các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ kênh trục chính thì những trạm bơm cấp nước của kênh trung thủy nông gặp khó khăn do kênh dẫn bị bồi lắng. Trong khi đó, diện tích canh tác của huyện có cốt đất không đồng đều lại nằm xen kẽ nhau nên việc điều tiết nước không thuận lợi. Những khu vực có cốt đất cao nằm ven các đường 392, 394, 39C còn vùng đất thấp lại ở cạnh các tuyến kênh chính. Vì vậy, khi nguồn nước ổn định thì việc cung cấp nước tưới đồng đều cho các khu vực đã căng thẳng chứ chưa kể trong trường hợp thiếu nước. Do đó, ở vụ chiêm xuân huyện liên tiếp xảy ra hạn hán trong nhiều năm. Đặc biệt, vụ chiêm xuân năm 2018, huyện có gần 1.000 ha lúa ở các xã Bình Xuyên, Nhân Quyền, Tân Hồng, Thái Hòa, Hùng Thắng… bị hạn.
Vụ chiêm xuân năm nay, Bình Giang cũng đang phải đối mặt với việc thiếu nước tưới dưỡng lúa vì mực nước hệ thống Bắc Hưng Hải xuống thấp. Ông Phạm Văn Ấm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Hồng lo lắng: “Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh nên rất cần nước tưới dưỡng. Thế nhưng trong nửa đầu tháng 3, chúng tôi không thể bơm nước để phục vụ bà con bón thúc vì lòng kênh cạn khô. HTX chịu trách nhiệm về nước tưới cho 220 ha lúa của xã thì có đến 140 ha sử dụng nước của trạm bơm Tân Phong A luôn trong tình trạng phải chờ nước. Thời gian tới, nếu vẫn thiếu nước tưới thì rất đáng lo ngại. HTX cũng không chủ động được nguồn nước mà phải trông chờ vào Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện điều tiết nước”.
Để bảo đảm nước tưới cho hơn 6.000 ha lúa chiêm xuân, huyện Bình Giang có 17 trạm bơm do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện vận hành và 100 trạm bơm do các HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý với tổng số 169 máy bơm các loại. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến thời tiết và năng lực tưới của các trạm bơm thì khả năng vụ chiêm xuân năm nay, huyện Bình Giang sẽ xảy ra khô hạn trên diện rộng.
Vận hành linh hoạt hệ thống thủy lợi
Khi xảy ra hạn hán, các huyện, thành phố khác có thể sử dụng nhiều phương án tưới thay thế như bơm cấp nguồn từ sông ngoài, tận dụng triều cường để lấy nước ngược thì huyện Bình Giang lại không có biện pháp can thiệp vì nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là nguyên nhân chính khiến huyện gặp nhiều bất lợi về nước tưới trong vụ chiêm xuân. Do không chủ động được nguồn nước nên huyện xác định giải pháp hiệu quả nhất để chống hạn là chủ động, linh hoạt trong vận hành hệ thống thủy lợi trên toàn huyện.
Để thực hiện giải pháp trên, huyện tích cực nạo vét các tuyến kênh dẫn và bể hút trạm bơm; giải tỏa rau bèo vật cản, đăng đó, khai thông dòng chảy, bảo đảm dẫn nước thuận lợi về bể hút các trạm bơm chống hạn. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi bám sát diễn biến thời tiết, thủy văn, tranh thủ thời gian mực nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải lên cao để mở cống trữ nước tối đa vào kênh trục. Khi nước xuống thấp, kịp thời đóng cửa cống, không để thất thoát nước. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, huyện đang tính toán phương án kết hợp giữa biện pháp nông nghiệp và thuỷ lợi trong sản xuất vụ chiêm xuân. Nghiên cứu chọn lựa giống cây trồng và thời gian gieo cấy phù hợp với từng khu đồng và khả năng tưới của từng trạm bơm.
Theo ông Đào Văn Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện, chỉ cần mực nước của hệ thống Bắc Hưng Hải bằng mực nước tưới thiết kế thì nhiều nơi trong huyện đã thiếu nước tưới. Vì lấy nước tưới từ Bắc Hưng Hải nên nguồn nước của huyện còn phụ thuộc vào nhu cầu tưới của các huyện lân cận nên khó khăn càng gấp bội. Do vậy, để bảo đảm nước tưới cho sản xuất, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trong huyện luôn tập trung cao độ để lấy nước khẩn trương, tưới tiết kiệm. Có như vậy, nước tưới trong sản xuất vụ chiêm xuân của huyện mới bớt căng thẳng.
PV