Đền Cao An Lạc - Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Di tích - Ngày đăng : 16:06, 28/03/2019
Di tích phụng thờ 5 vị tướng họ Vương
Hải Dương là vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời. Đây là vùng đất cổ, vốn là phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long xưa. Vùng đất này còn lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử, di tích cách mạng gắn liền với chiến tích oai hùng của bao thế hệ dựng nước, giữ nước. Vùng đất này có nhiều danh thắng nổi tiếng, trong đó không thể không kể đến danh thắng Đền Cao.
Từ cầu Thiên trên quốc lộ 37, đi vào 300 m sẽ dẫn mọi người đến với vùng đất An Lạc đậm màu sử thoại.
Quần thể khu di tích đền Cao là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và tri ân đức vua Lê Đại Hành, thành hoàng làng Dương Tôn Linh. Với hiện trạng di tích và các truyền thuyết còn lưu truyền nơi đây cùng các sinh hoạt lễ hội được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, lễ hội đền Cao được đánh giá là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của Hải Dương.
Quần thể di tích có 5 đền và 1 chùa. Đền Vua thờ vua Lê Đại Hành tọa lạc trên núi bàn cung toát lên vẻ uy linh và tôn nghiêm. Đền Cao thờ Vương Đức Minh trầm mặc tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi ở độ cao 30 m, giữa rừng lim già cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân đậm màu sắc truyền thống và toát nên vẻ nghiêm cẩn nằm bên dòng Nguyệt Giang mềm mại. Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng - ngôi đền trần (không có mái che) đậm dấu tích thiêng, được coi là ngôi đền đặc biệt nhất trong hệ thống di tích đền thờ ở nước ta. Đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức thánh và 2 người con gái là Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu trầm mặc giữa cánh đồng xanh tươi, trù phú, nằm bên dòng sông yên ả.
Thần tích còn lưu tại đền Cao do Hàn lâm viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên, đời vua Lê Anh Tông (1572) đã ghi rõ sự tích và công trạng của các vị thánh đền Cao.
Vào thời Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, lộ Thanh Hoá có gia đình ông họ Vương tên là Tĩnh, bà vợ là người bản trang họ Đào tên là Thanh. Ông bà hay làm, chịu thương chịu khó, lại hay thương người nên được bà con chòm xóm mến mộ. Song hiềm một nỗi là vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có một mụn con.
Một ngày kia, ông bà lênh đênh trên chiếc thuyền con, ngược cửa thần phù tìm nơi đất mới để sinh sống, đến Trang Dược Đậu, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương thấy dân phong ở đây thuần hậu, đất đai, cỏ cây tươi tốt, ông bà liền xin cư trú ở đấy.
Bấy giờ, tại Dược Đậu trang có gia đình ông họ Phạm, tên là Lược. Gia cảnh ông họ Phạm cũng tương đối khá giả, liền cho ông bà đến ở nhờ tại Dược Đậu trang. Một đêm bà Thanh nằm mộng thấy năm ngôi sao chui vào miệng. Khi bà Thanh ra dòng Nguyệt Giang tắm rửa chợt thấy một con giao long ngũ sắc nổi lên quấn chặt lấy mình bà ba vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Từ đó bà Thanh thấy trong lòng rung động rồi có thai. Đến khi thai nghén đủ tuần mãn nguyệt, bà sinh ra một bọc, bung ra 5 trứng, sinh được 3 trai 2 gái. Con trai thì dáng mạo khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt, mắt phượng mày ngài, hàm hổ mặt rồng. Con gái thì mặt hoa da phấn. Con trai thứ nhất tên là Vương Đức Minh. Con trai thứ hai Vương Đức Xuân. Con trai thứ ba Vương Đức Hồng. Con gái thứ tư là Vương Thị Đào và cô gái út là Vương Thị Liễu.
Bấy giờ, quân Tống do Quách Tiến chỉ huy xâm lược bờ cõi nước ta. Khi nhà vua đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu trang thấy thế đất hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ở ngay khu chợ nhỏ (tục gọi là chợ Đậu). Năm anh em họ Vương đều vào bái yết, nhà vua liền cho thử tài, năm anh em đều trổ hết tài năng ứng thí.
Biết các ông là người có tài năng thực thụ, nhà vua liền thu nhận dưới trướng và phong chức. Khi ấy, ba ông cùng với hai bà đem quân theo đường bộ. Hai bà giả làm người đi bán trầu thuốc lần tìm đến tận nơi đồn sở của giặc. Sau khi nắm rõ binh tình giặc, quân ta tiến công, quân giặc thua to tháo chạy về nước.
Ngôi đền gắn với nhiều truyền thuyết
Khu di tích đền Cao hình thành và phát triển hơn 1.000 năm nay. Tuy quy mô các ngôi đền không lớn nhưng đã hội tụ được linh khí đất trời. Các ngôi đền được xây dựng rất sớm, từ thời Tiền Lê, sau khi 5 vị tướng qua đời. Vào thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu lại với kiến trúc kiểu chữ tam và giữ nguyên hiện trạng cho đến nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai còn giữ được khá nguyên vẹn, tiêu biểu là các bức đại tự, câu đối. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được các đạo sắc phong qua các triều vua.
Theo lời kể của các cụ Dương Thị Phu, Dương Thị Hoa - Thủ từ đền Cao, đền Cả, khi giặc giã xâm lấn bờ cõi nước Nam, chúng muốn phá hết đình chùa miếu mạo của ta. Đền Cao trước đây nhỏ giống như một ngôi miếu, lại được rừng lim um tùm tươi tốt bao phủ. Dân gian vì muốn gìn giữ đền khỏi sự tàn phá của quân xâm lược đã đặt ra lời nguyền giấu kín tung tích đền Cao: "Lịch sử đền Cao, biết không được nói, không biết không được hỏi".
Cụ Phu, cụ Hoa cho biết trong số lim ở đền Cao thì cây lim lớn nhất, kỳ lạ và cũng gây tò mò nhiều nhất chính là cây lim ở phía tây của đền. Trên cây có một chiếc bướu hình mặt cáo, cũng có người gọi là đầu hổ.
Không biết chiếc bướu xuất hiện từ bao giờ nhưng người dân nơi đây đã thêu dệt nên câu chuyện linh thiêng về ông Tổ Cụt trong chiếc bướu này. Dưới gốc cây, một ban thờ Tổ được dựng lên, bởi thế quanh năm có người đến thắp hương cầu cúng. Một điều lạ nữa, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có tới vài chục tấn bom dội xuống khu vực này nhưng tuyệt nhiên, không cây lim nào đổ gục và đền Cao cũng không hề bị tàn phá.
Phần lễ khu di tích đền Cao trong những ngày diễn ra lễ hội duy trì gần như nguyên vẹn, nguyên bản so với những nghi lễ truyền thống. Tuân thủ nghiêm ngặt 4 nguyên tắc lớn của tế lễ: biểu lộ lòng thành kính với thần linh; dùng nến, nhang, âm thanh của trống chiêng, nhạc lễ làm phương tiện; kính cẩn khi hành lễ; lúc cử hành, các chấp sự chỉ dùng động tác, không được phát ngôn. Phần hội có phần “nhạt” hơn so với phần lễ. Điều đó chứng tỏ rằng lễ hội đền Cao mang tính tâm linh nhiều hơn.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách thập phương, trong lễ hội đền Cao cần có những người có khả năng thuyết minh và diễn giải những chứng tích liên quan đến các truyền thuyết và nguồn gốc tên gọi một số địa danh. Lễ hội đền Cao diễn ra trong 3 ngày, từ 22 - 24 tháng giêng hằng năm.
TS.ĐẶNG THỊ LAN ANH, giảng viên Trường Đại học Hải Dương