Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh: Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động

Chính trị - Ngày đăng : 08:23, 29/03/2019

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh Hải Dương luôn gắn kết chặt chẽ trên các mặt công tác, gắn bó với địa phương và cử tri.


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong bảo quản, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu


Kế thừa kết quả từ nhiều nhiệm kỳ trước, trong những năm qua Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và HĐND tỉnh Hải Dương luôn gắn kết chặt chẽ trên các mặt công tác, gắn bó với địa phương và cử tri. Công tác phối hợp hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát, tọa đàm đóng góp ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội. Qua đó ghi nhận nhiều nội dung góp ý có cơ sở khoa học và thực tiễn, tập hợp được nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo cung cấp cho ĐBQH tỉnh. Từ đó giúp ĐBQH nghiên cứu tham gia đóng góp xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội có chất lượng.

Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động tham khảo ý kiến của Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh trước mỗi kỳ họp Quốc hội và trước khi tham gia ý kiến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các công trình quan trọng của quốc gia… Đây là cơ sở cho Đoàn ĐBQH tham gia ý kiến toàn diện và bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trên cơ sở nội dung giám sát do Quốc hội ban hành, Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh tham khảo, trao đổi, phân công lãnh đạo tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát để bảo đảm không chồng chéo và luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Qua hoạt động giám sát, nhiều nội dung kiến nghị, góp ý của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh được Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan ở địa phương xem xét giải quyết.

Công tác phối hợp tiếp công dân được thực hiện thường xuyên và định kỳ hằng tháng. Việc phân loại, chuyển đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng để trả lời, giải quyết bảo đảm theo quy định của pháp luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri được phối hợp chặt chẽ, nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri được đổi mới, từng bước mang tiếng nói và tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội và HĐND. Một số nội dung chất vấn của HĐND tỉnh cũng chính là những nội dung ĐBQH tỉnh chất vấn các thành viên Chính phủ và các bộ, ngành. Các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh tập hợp và đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét giải quyết.


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh và các ngành liên quan góp ý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật An ninh mạng. 
Ảnh tư liệu


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác phối hợp hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh Hải Dương cũng còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Mặc dù có cải tiến trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri, nhưng nhìn chung tình trạng “đại cử tri” vẫn còn phổ biến. Số cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành còn ít. Việc đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu như mong muốn... Cơ chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với HĐND, UBND các cấp chưa được xác định cụ thể trong giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.

Để công tác phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới đề nghị Quốc hội chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu chủ động rà soát các luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xem xét sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan tới tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng ĐBQH và đại biểu HĐND ứng cử ở cùng một địa phương tham gia chung một cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. 

Trong hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh đẩy mạnh phối hợp để nắm bắt thông tin kịp thời. Các Ủy ban của Quốc hội giám sát ở địa phương cũng nên mời các đại biểu HĐND ứng cử ở đó cùng tham gia; ngược lại, HĐND tỉnh khi giám sát cũng nên mời các ĐBQH ứng cử tại địa phương tham gia.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, với UBND tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.

Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trong chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động của các ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND tỉnh và các đại biểu dân cử; tạo điều kiện để các đại biểu kiêm nhiệm hoàn thành nhiệm vụ.
Sự gắn kết giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương sẽ có tác động bổ khuyết cho nhau, thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả và góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương.

HOÀNG QUỐC THƯỞNG (Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)