Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:49, 29/03/2019
Trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường mầm non ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhiều trẻ em. Gần đây nhất là vụ học sinh nhiễm sán lợn nghi do thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) khiến dư luận hết sức lo lắng. Đặc thù trường mầm non là nơi tập trung đông trẻ, bản thân trẻ còn non nớt, sức đề kháng không cao, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non thì hậu quả khôn lường. Vấn đề dinh dưỡng bảo đảm VSATTP của trẻ trong những năm đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó là tiền đề, là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển về mọi mặt sau này của đứa trẻ. Bởi vậy, việc bảo đảm VSATTP trong trường mầm non cần đặc biệt được chú trọng.
Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cần kiểm tra thường xuyên công tác bảo đảm VSATTP. Việc xây dựng mô hình thực phẩm sạch, đề phòng ngộ độc thức ăn là vấn đề có ý nghĩa rất thiết thực. Để xây dựng mô hình an toàn thực phẩm, việc đầu tiên là nhân viên nhà bếp phải được tham gia tập huấn về VSATTP. Chú ý các biện pháp vệ sinh phòng nhiễm bẩn thực phẩm như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu vệ sinh dụng cụ chế biến (dao thớt, đũa, thìa...). Dụng cụ ăn uống dùng xong phải rửa sạch phơi khô, trước khi dùng phải rửa lại. Bát và thìa dành cho trẻ trước khi dùng phải tráng nước nóng, bảo đảm vệ sinh. Do đặc thù trẻ mầm non còn nhỏ, hay làm rơi vỡ bát nên một số trường, điểm trông giữ trẻ cho các cháu ăn bằng bát, đĩa nhựa. Điều này hoàn toàn không nên vì sử dụng bát, đĩa nhựa để đựng thức ăn nóng dễ thôi nhiễm, làm ô nhiễm thực phẩm. Nên dùng bát đĩa bằng inox, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa không sợ bị vỡ hỏng khi không may rơi. Nấu xong cần cho trẻ ăn ngay, thức ăn phải được đựng vào các xoong nồi có nắp đậy, có lồng bàn tránh ruồi nhặng nhiễm bẩn. Nơi chế biến thực phẩm phải thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ, có dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín. Bếp ăn phải được sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, tránh nhiễm chéo giữa thực phẩm chín và sống. Khu vực kho, tiếp nhận nguyên liệu sơ chế, chế biến, thực phẩm chín và khu ăn uống, nhà vệ sinh của trẻ phải tách biệt. Trước khi cho trẻ ăn cần rửa tay cho trẻ hoặc hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước, rửa xong lau khô. Giáo dục cho trẻ biết giữ gìn vệ sinh, biết ăn chín, uống sôi, ăn bằng thìa, đũa, không bốc bải, ăn xong phải biết súc miệng và chải răng sạch sẽ.
Để bảo đảm VSATTP, khâu quan trọng nhất là khâu nhập nguồn thực phẩm. Nên chăng vào đầu mỗi năm học, nhà trường tiến hành ký kết hợp đồng cụ thể với cơ sở cung cấp thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm nguồn thực phẩm phải sạch, tươi ngon, tuyệt đối không dùng thực phẩm đã quá hạn, thực phẩm bị biến chất. Thực phẩm trước khi sơ chế phải được rửa dưới vòi nước sạch, rau quả phải được ngâm rửa nhiều lần.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhà trường cần phải xử trí kịp thời, đưa trẻ bị ngộ độc tới các cơ sở y tế gần nhất và lưu ý niêm giữ toàn bộ thức ăn của trẻ bị ngộ độc (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để chờ xác minh.
Mục đích của việc bảo đảm VSATTP trong trường mầm non là giúp trẻ có được nền tảng sức khỏe tốt. Đây cần được coi là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với các nhà trường, mà còn cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Các địa phương cần nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn để cung cấp thực phẩm cho các nhà trường...
ĐẶNG XUÂN KA(TP Hải Dương)