Khi trường học chưa an toàn

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 10:53, 31/03/2019

Thời gian qua, những vụ tai nạn, ngộ độc hóa chất xảy ra tại một số trường học ở tỉnh ta là lời cảnh báo về sự mất an toàn trong trường học.

Để bảo đảm an toàn, các giáo viên luôn phải bao quát các hoạt động của trẻ. Trong ảnh: Trường Mầm non Hiệp Sơn (Kinh Môn) nhiều năm liền được công nhận là trường học an toàn

Những vụ việc gây rúng động

Vụ cháu Nguyễn Đình Kh. (sinh năm 2014) học lớp 4 tuổi C, Trường Mầm non Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) bị thương tích ngày 10.1.2019 tại trường đến nay vẫn khiến nhiều phụ huynh giật mình. Sáng hôm đó, cháu Kh. được bố đưa đến lớp. Sau khi đưa Kh. vào lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Vân quay ra tiếp tục đón cháu khác ở cửa. Lúc này, cháu Kh. tìm cách trốn theo bố nên đã trèo qua lan can hiên sau và ngã từ tầng 2 xuống đất. Sau đó, phụ huynh trong trường và giáo viên phát hiện kịp thời, nhanh chóng đưa cháu đi cấp cứu. Cháu bị gãy rạn xương quai xanh, tụ máu nhẹ ở phổi và tổn thương phần mềm ở vai, ngực, trán. Sau một thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cháu Kh. đã phục hồi sức khỏe.

Trường Mầm non Cẩm Hoàng xây dựng khối phòng học mới và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2018-2019. Các lan can phía sau thiết kế theo đúng quy chuẩn chiều cao 1,2 m, trong đó 1 m xây gạch đặc và 20 cm phía trên là lan can inox. Trong năm học 2018-2019, trường có 28 giáo viên phụ trách 16 nhóm lớp (trung bình 1,75 giáo viên/lớp). Trong đó, ưu tiên các lớp 5 tuổi phải bảo đảm 2 giáo viên/lớp nên khối mẫu giáo 4 tuổi có 6 giáo viên phụ trách 4 lớp (trung bình 1,5giáo viên/lớp). Tại thời điểm xảy ra tai nạn, lớp 4 tuổi C chỉ có cô Vân đang đón trẻ ở cửa lớp học. Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã kiểm tra, chỉ đạo nhà trường tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là trong những thời điểm chỉ có 1 giáo viên trên lớp.

Mới đây, vào sáng 4.3, một giáo viên của Trường Tiểu học Bắc An (TPChí Linh) mua 4 gói bột màu trắng dùng thông bồn cầu để ở gầm cầu thang của trường. Tưởng là kẹo nên lúc ra chơi, một học sinh lớp 5A đã lấy ra và chia cho nhiều học sinh khác cùng ăn. 46 học sinh từ lớp1 đến lớp 5 bị ngộ độc, phải đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do được cứu chữa kịp thời nên các em đều sớm bình phục.

Tuy chưa có con số cụ thể tổng hợp về những vụ tai nạn thương tích, ngộ độc xảy ra tại các trường học trong tỉnh thế nhưng đã từng có vụ việc đau lòng nhất cách đây khoảng 7 năm, một học sinh đã tử vong vì ngã đập đầu xuống sân trường. 

Cần quan tâm hàng đầu

Hiện nay, thực trạng chung của nhiều trường mầm non trong tỉnh là chưa bảo đảm số lượng giáo viên trên nhóm, lớp theo quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16.3.2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Trong khi đó, trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học còn non nớt, thường tò mò, hiếu động. Các em chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm xung quanh mình. Do đó, việc thiếu giáo viên gây nhiều khó khăn trong chăm sóc, giảng dạy. Nhiều lớp chỉ có một giáo viên nên khó bao quát hết, nhất là lúc đón trẻ vào lớp, lấy thức ăn cho các em. 

Sau vụ việc ở Trường Mầm non Cẩm Hoàng, ngày 4.3, Phòng GDĐT huyện Cẩm Giàng đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trong huyện tăng cường chỉ đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chú trọng bảo đảm an toàn cho trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non cần thực hiện nghiêm Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15.4.2010 của Bộ GDĐT quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa bảo đảm đúng quy định. Phân công giáo viên quản lý trẻ mọi lúc, mọi nơi, nhất là quản lý trẻ trong các hoạt động ngoài lớp học, khi trẻ ngủ tại trường... Bà Phạm Thị Oanh, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Cẩm Giàng cho biết: "Việc bảo đảm an toàn trong trường học luôn được Phòng GDĐT huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các trường thực hiện, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non chứ không phải tới khi xảy ra vụ học sinh bị thương tích ở Trường Mầm non Cẩm Hoàng. Đây là nhiệm vụ các trường phải luôn chú ý thực hiện bởi nguy cơ mất an toàn vẫn có thể tiềm ẩn, rình rập". 

Việc bảo đảm an toàn trong trường học cần được quan tâm hàng đầu, không chỉ phòng tránh từ xây dựng trường lớp, lan can... theo quy chuẩn mà còn giáo dục cho trẻ những kỹ năng cần thiết để hạn chế những tai nạn, thương tích không đáng có. Ngành GDĐT cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trường học an toàn hơn nữa. Các trường tăng cường học hỏi, tham quan các đơn vị làm tốt công tác này. Điển hình như Trường Mầm non Hiệp Sơn (Kinh Môn) nhiều năm liền được công nhận là trường học an toàn. Theo cô Nguyễn Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Sơn, các cán bộ, giáo viên, nhân viên đều chú ý từ những khâu nhỏ nhất như để các dụng cụ, hóa chất dọn vệ sinh trong kho, chỉ lấy ra khi sử dụng; đồ chơi cũ, hỏng thì thanh lý, thay mới... Cô Vũ Thị Lý, giáo viên của trường chia sẻ: "Tôi và một giáo viên khác phụ trách 3 lớp học. Công việc vốn đã vất vả lại càng thêm áp lực khi ở môi trường mầm non nghiêng nhiều về các hoạt động chăm sóc. Công việc đòi hỏi giáo viên phải luôn sát sao, theo dõi trẻ, bởi chỉ cần các cô có chút lơ là thì có thể sẽ xảy ra trường hợp trẻ nô đùa quá mức, hoặc quay sang cấu véo, đánh bạn bên cạnh".

HOÀNG QUÂN