Luôn có Bác ở bên
Tin tức - Ngày đăng : 12:04, 31/03/2019
Cuộc đón Bác đầu tiên trên đất Hải Dương cho đến bây giờ nhiều người còn cảm thấy như trong mơ. Đó là thời điểm chỉ mới hơn một năm, chính quyền cách mạng về tay nhân dân; đất nước vừa trải qua nạn đói kinh hoàng làm hàng triệu người chết; trong khi còn thù trong giặc ngoài… Người dân chưa bao giờ biết được người có tên Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh như thế nào. Vậy mà vào đúng ngày 21.10.1946, trên chuyến xe lửa Hải Phòng- Hà Nội sau cuộc đi đàm phán từ Pháp về, Bác đã dừng chân ở các ga Lai Khê, Tiền Trung, Cẩm Giàng và lâu hơn tại ga Hải Dương. Người ân cần thăm hỏi nhân dân và nhắc nhở cần nâng cao cảnh giác trước việc thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta lần nữa. Chính quyền và nhân dân cần đoàn kết thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc lụt, bảo vệ chính quyền cách mạng…
Chỉ không đầy hai tháng sau, ngày 19.12.1946, đúng như dự báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nằm trên vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, quân dân Hải Dương tuân theo lệnh của Người “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trên dải đất giàu sức người, sức của, được ví như cái “cuống họng” nối cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện, lập nhiều chiến công vang dội. Dù ở chiến khu, bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dõi theo, tiếp sức cho quân dân ta qua nhiều phần thưởng, thư khen, bài báo. Trong bài “Đường số 5 anh dũng” ký tên C.B. trên báo Nhân Dân, Bác viết:
Đường số 5 hơn trăm đồn bốt
Dân đường 5 có một lòng son
Dù cho sông cạn đá mòn
Quyết tâm gìn giữ nước non Lạc Hồng
Bác viết thư khen lão du kích Đỗ Như Thìn (Bình Giang) có sáng kiến lập công và tặng bốn chữ “Lão đương ích tráng”(càng già càng mạnh), làm thơ ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của nữ giao liên Mạc Thị Bưởi, viết thư khen các chiến sĩ đường 5 đánh đổ các đoàn tàu Pháp chặn chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ…
Sau hòa bình lập lại, năm 1957, Bác về thăm và trò chuyện với nhân dân xã Ái Quốc (lúc đó thuộc Nam Sách, nay là một phường của TP Hải Dương) về tương lai tươi sáng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau đó Người về nói chuyện với cán bộ, công nhân cơ quan khu Tả Ngạn đóng trên thị xã Hải Dương.
Ngày 1.4.1959, Bác Hồ về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương.
Mùa mưa năm 1962, lúa mùa của tỉnh ta bị ngập úng nặng. Bác về thăm và vừa guồng nước chống úng với xã viên Hiệp Lực, vừa đọc câu: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”. Đó là nguồn khích lệ nông dân tỉnh ta ra sức làm thủy lợi, không ngừng thâm canh đưa năng suất cây trồng lên cao để bảo đảm “thóc thừa cân, quân thừa người” chi viện cho miền Nam đánh thắng.
Cùng chuyến về đó, Bác thăm Nhà máy Sứ Hải Dương, cơ sở công nghiệp đầu tiên có sự trợ giúp của nước bạn. Bác thăm từ nơi sản xuất, nhà ở đến gặp gỡ công nhân. Bác nhắc nhở sứ Việt Nam phải làm bằng men và hoa Việt Nam; hàng phải tốt, rẻ mới có nhiều người mua. Trước lúc chia tay, Bác đã viết tặng nhà máy chữ “Phải cố gắng tiến bộ” trên bình sứ.
Qua báo chí, Bác thường xuyên theo dõi sự tiến bộ trong phong trào thi đua của tỉnh. Hầu như các tập thể tiên tiến, những tấm gương “người tốt, việc tốt” điển hình đều được Bác động viên, khen thưởng dưới nhiều hình thức. Bác viết báo khen từ cô thanh niên Lê Thị Phao (Bình Giang) mạnh dạn áp dụng kỹ thuật chăm bón lúa của HTX đến tặng Huy hiệu cho cụ Nguyễn Văn Yên (Ninh Giang) có thành tích trồng 5.000 cây xanh. Bác biểu dương từ ba em bé ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) ra hiệu báo động cho đoàn tàu hỏa tránh được máy bay Mỹ bắn phá, đến gặp gỡ phi công bắn rơi máy bay Mỹ F4, thiếu úy Nguyễn Nhật Chiêu (sau này được phong là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Theo thống kê chưa đầy đủ, trong mấy năm, Bác Hồ đã khen thưởng cho trên 40 tập thể, cá nhân và tặng Huy hiệu của Người cho trên 80 người, viết hàng chục bài đăng trên báo Nhân Dân để động viên, khích lệ.
Bác Hồ thăm và nói chuyện với nhân dân xã Nam Chính, Nam Sách (ngày 15.2.1965)
Mùa xuân năm 1965, giữa lúc Mỹ tăng cường chiến tranh đặc biệt ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Bác về thăm tỉnh ta lần thứ năm. Bác đến thăm HTX Hồng Thái (Ninh Giang), một điển hình làm thủy lợi giỏi đã được nhận cờ thi đua của Bác; thăm xã Nam Chính (Nam Sách) có phong trào vệ sinh phòng bệnh tốt nhất tỉnh. Buổi chiều, Bác thăm Côn Sơn, nơi gắn bó với nhiều danh nhân trong lịch sử thuộc Thiền phái Trúc Lâm và người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia trước đó 3 năm. Bác vãn cảnh chùa, đọc bia, thăm hỏi nhà sư; lội suối lên tận Thạch bàn, nơi Nguyễn Trãi xưa thường ngồi thưởng cờ, ngẫm suy thế sự. Bác ghi sổ lưu niệm và căn dặn cán bộ, nhân dân, nhà chùa cần trồng nhiều cây xanh, phủ đồi trọc…
Không thể ngờ đó lại là chuyến thăm Hải Dương cuối cùng trước ngày Bác đi xa. Tin Bác qua đời rất nhanh được truyền đi gây nỗi xúc động, thương tiếc Người vô hạn. Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ra chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi Đảng bộ và quân dân trong tỉnh biến đau thương thành hành động, thực hiên tốt các nhiệm vụ trước mắt. Tại một cuộc mít tinh lớn của tỉnh (ngày 10.9.1969) đã vang lên Lời tuyên thệ với 6 điều nhằm thực hiện tốt nhất bản Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch. Với quyết tâm đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta vừa tiếp tục đẩy mạnh chi viện cho miền Nam đánh thắng, vừa chiến đấu dũng cảm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; đồng thời ra sức thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, đạt nhiều thành tích mới trong sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu…
Vậy là từ lần Bác về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương (1959) đến nay đã 60 năm và cũng là 50 năm Người đi xa (1969), nhưng hình ảnh và tư tưởng của Bác vẫn luôn hiện hữu trong những đợt sinh hoạt chính trị và hành động hằng ngày của Đảng bộ và nhân dân ta. Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI gắn liền với thực hiện nhiệm vụ từng ngành, địa phương, đơn vị… phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường củng cố hệ thống chính trị, an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân... là động lực đưa Hải Dương có những bước phát triển mới.
Đạt được những thành quả đó, nhân dân ta càng thấm sâu công ơn to lớn, càng ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và những lời căn dặn cụ thể của Bác, xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh để đền đáp công ơn và thỏa lòng mong đợi của Người.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG