Truyền nghề rối nước cho lớp trẻ
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 16:13, 31/03/2019
Những lúc rảnh rỗi, ông Phai (giữa) thường truyền kinh nghiệm điều khiển rối cho các thanh niên trong phường
Kết quả này có được một phần do sự quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ của các nghệ nhân ở phường rối nước Bùi Thượng.
Truyền nhiệt huyết
Thường xuyên thấy bố ngồi tỉ mẩn cắt, gọt, đục, trang trí những con rối nước từ khúc gỗ vô tri vô giác, anh Đinh Văn Khì, sinh năm 1992, con trai út của ông Đinh Văn Phai (Trưởng phường rối nước Bùi Thượng) từ nhỏ đã yêu thích những biểu cảm sinh động trên từng con rối. Mỗi lần phường biểu diễn, anh phụ bố chuẩn bị các tiết mục. Thấy con yêu thích rối nước, ông Phai thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để giảng giải về nguồn gốc rối nước ở Bùi Thượng, sự thăng trầm của bộ môn nghệ thuật truyền thống này gắn với lịch sử dòng họ, quê hương, dân tộc, sự khác biệt, đặc sắc của rối nước Bùi Thượng so với những nơi khác... Từ đó, tình yêu và niềm tự hào về di sản văn hóa của quê hương dần trở thành động lực thôi thúc anh đi theo đoàn biểu diễn. Đến nay, anh Khì đã có 5 năm học và làm nghề múa rối nước.
Giống như anh Khì, anh Phạm Văn Chương, sinh năm 1989, con của ông Phạm Văn Cỏn (Phó trưởng phường rối nước Bùi Thượng) cũng yêu thích rối nước từ nhỏ. Anh chia sẻ: “Ngày bé tôi chỉ mong đến Tết hoặc ngày hội làng để được đi xem múa rối. Ngày xưa làm gì có internet để giải trí như bây giờ nên được xem các tích trò múa rối là niềm ao ước của nhiều trẻ em. Mỗi lần phường biểu diễn, không chỉ người trong làng mà người lớn, trẻ con làng khác cũng kéo nhau đi xem rất đông vui. Tình yêu rối nước như ngấm vào máu thịt nên nhiều năm nay tôi đã cùng các thành viên trong phường đi khắp nơi biểu diễn rối nước”.
Từ niềm yêu thích trẻ thơ, khi lớn lên, nhiều thanh niên ở Bùi Thượng đã đi theo phường để học và làm nghề múa rối nước. Ông Phai và các thành viên của phường thường xuyên động viên con, cháu mình cũng như những người trẻ trong làng tham gia biểu diễn nhằm tạo ra “luồng gió mới” cho môn nghệ thuật này. Ông Phai cho biết: “Tôi và các nghệ nhân thế hệ trước ở phường đến nay đã trên dưới 60 tuổi. Nhiều năm gần đây chúng tôi tích cực động viên thế hệ trẻ tham gia biểu diễn, truyền nghề để dần thay thế khi chúng tôi già yếu”.
Mỗi người trẻ vào phường đều được các nghệ nhân nhiệt tình chỉ dạy mọi khâu trong múa rối nước. Trong đó khó nhất là kỹ thuật điều khiển con rối. Để cơ bản nắm được kỹ thuật này cần học hỏi nghiêm túc trong thời gian không ngắn. “Cần có kỹ xảo để điều khiển dây, sào ở dưới sao cho con rối trên mặt nước không chỉ chuyển động được mà các động tác phải mềm mại, uyển chuyển, hấp dẫn, gây cười cho người xem ở thần thái, tâm trạng, động tác của nhân vật. Nếu không có kỹ thuật thì các dây sẽ nhanh chóng bị rối, làm tích trò thất bại”, anh Chương cho biết.
Xã Lê Lợi có đường giao thông tương đối thuận lợi, gần di tích đền Quát (xã Yết Kiêu, Gia Lộc), thuận đường đến danh thắng Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện). Nội dung của những tích trò ở phường rối nước Bùi Thượng phong phú, hấp dẫn, đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi rối nước trong nước. Đây là những ưu thế có sẵn để phát triển múa rối nước ở Bùi Thượng. Hiện nay, phường múa rối nước Bùi Thượng có 20 thành viên, trong đó 7 người sinh ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Các thanh niên trong đoàn đều có bố mẹ là thành viên của phường.
Mong giữ gìn tinh hoa
Dù các thành viên trong phường đã tích cực truyền nghề, động viên con, cháu tham gia đoàn múa rối nước, song hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn. Mỗi buổi diễn ở xa, đoàn phải đi 2 ngày, hôm trước dựng thủy đình, hôm sau biểu diễn, chi phí cho việc đi lại, thuê xe... tốn kém. Mỗi buổi diễn có giá chục triệu đồng trở lên, tương đối cao so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng sau khi trừ chi phí, các nghệ nhân chỉ được nhận từ 100.000-200.000 đồng/ngày. Không chỉ tiền công thấp, số buổi biểu diễn ở phường rối nước Bùi Thượng trong 1 năm chỉ từ 50-60 buổi.
Nhiều nghệ nhân trẻ ở phường rối nước Bùi Thượng trăn trở với bộ môn nghệ thuật đặc sắc này. Anh Phạm Văn Đồng, một thanh niên trong phường cho biết: “Tiền công múa rối nước thấp hơn cả công đi phụ vữa nên số thanh niên mặn mà với môn nghệ thuật truyền thống trên không nhiều. Để lớp trẻ thực sự kế tục được các nghệ nhân cao tuổi thì hiện chưa có ai. Dù chưa thể sinh sống, bám trụ được với nghề nhưng mỗi khi phường biểu diễn, chúng tôi thường thu xếp công việc về phụ các bác, các chú, mong muốn học hỏi để sau này tiếp tục gìn giữ, phát triển văn hóa của cha ông”.
Đến nay, phường rối nước Bùi Thượng vẫn còn những nghệ nhân cao tuổi yêu nghề, sẵn lòng truyền “lửa nghề” cho giới trẻ. Còn đó những người trẻ mong muốn giữ gìn, phát triển bộ môn nghệ thuật giàu ý nghĩa này. Tuy nhiên, nếu không có chính sách đúng đắn, tận dụng những ưu thế có sẵn, quan tâm đầu tư phát triển thì khó khuyến khích được các nghệ nhân múa rối tiếp tục gắn bó, cống hiến phát triển nghề.
VIỆT QUỲNH