“Bé không vin, cả gãy cành”
Đời sống - Ngày đăng : 18:24, 31/03/2019
Tan học lâu rồi, Hiển vẫn chưa về. Chị bấm máy liên tục gọi cho chồng. Hôm nay nó đã gây gổ, đánh nhau với một bạn trai lớp bên cạnh. Cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu gia đình sáng mai đến trường làm việc với Ban giám hiệu.
Anh Vinh phóng xe máy đi tìm nó từ chập tối. Mười một giờ đêm vẫn chưa có tin tức gì. Mới học lớp 7 mà nó đã gây ra biết bao nhiêu chuyện. Chị Vân rất khổ tâm! Lấy nhau gần chục năm, chạy chữa mãi mới sinh được thằng Hiển. Sinh xong, chị bị bệnh phải cắt bỏ buồng trứng nên không thể có thêm con. Hiển là đứa con độc nhất của anh chị. Từ lúc sinh ra, nó đã được cả gia đình hết mực yêu thương, chiều chuộng, nhất là mẹ chồng chị.
Gần một giờ sáng, nghe tiếng xe máy nổ ngoài cổng, chị Vân chạy vội ra nhưng chỉ thấy anh Vinh về một mình. Giọng chị hoảng hốt: "Con đâu anh? Có ai thấy nó lai vãng ở đâu không?".
Anh dắt xe vào, chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu và tiếng thở dài. Chị Vân nước mắt sụt sùi, nói đứt quãng: "Mà... nó đi đâu được chứ! Giờ thì... không thể... theo ý bà nội được. Càng chiều... càng hư".
Bà nội Hiển chuyển lên thành phố trông con cho cô Phương từ đầu năm. Trước khi đi, bà còn dặn đi dặn lại anh chị phải chiều chuộng Hiển. Không ai được bắt nạt, làm khó nó… Còn nhớ, lúc chị sinh thằng Hiển, bà đi khắp làng trên xóm dưới khoe con dâu đã sinh được “quý tử”. Suốt ngày bà bế ẵm, nâng niu nó như báu vật trong nhà. Thỉnh thoảng bà lại dúi cho nó mấy chục nghìn để mua quà ăn vặt. Được bà bênh nên nó hay cãi lại bố mẹ. Nhiều lần chị nói anh Vinh góp ý với mẹ chồng cách dạy cháu nhưng cũng không ăn thua. Các cụ ngày xưa bảo “bé không vin, cả gãy cành” thật chẳng sai chút nào!
Sáng sớm hôm sau Hiển mò về nhà. Nó bảo vì đánh nhau ở trường, sợ bố mẹ mắng nên trốn ở trạm bơm ngoài đồng. Từ tối qua chưa ăn uống gì. Chị Vân nấu cho con bát canh rồi gặng hỏi chuyện đánh nhau. Chờ nó ăn xong, cả Hiển và bố mẹ cùng đến trường xin lỗi bạn Huy-người bị Hiển vô cớ đánh hôm qua vì tội cứ hay đứng ngoài cửa lớp nhìn trộm bạn Vy ngồi cùng bàn, nom ngứa mắt… thì nó đánh.
Từ văn phòng nhà trường bước ra, anh chị không ai nói với nhau câu nào. Cô giáo bảo: “Hiển tiếp thu nhanh nhưng lười và hay nói tự do trong lớp. Không hài lòng với các bạn là phát biểu lung tung, lại còn hay gây gổ, cãi lộn nữa. Anh chị phải có biện pháp cứng rắn. Không nên nuông chiều con quá. Các cháu đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, nếu không được bảo ban, uốn nắn kịp thời, sau này có thể còn gây ra nhiều chuyện phiền phức nữa”.
Việc đầu tiên chị Vân làm khi về nhà là gọi điện cho bà nội Hiển, báo cho bà biết việc nó đánh nhau ở trường, buổi làm việc với ban giám hiệu, cả những lời khuyên của cô giáo. Thuyết phục mãi, cuối cùng mẹ chồng chị cũng đồng ý thay đổi cách dạy dỗ Hiển. Kể từ hôm ấy, anh chị cũng dành nhiều thời gian cho con hơn. Chị Vân đề nghị cô giáo sắp xếp cho Hiển được ngồi cạnh bạn Nga lớp phó học tập. Chị gặp Nga, nhờ Nga thường xuyên cho biết tình hình ở lớp của con và giúp đỡ Hiển. Ngoài giờ học, Hiển phải phụ giúp bố mẹ việc nhà. Việc gì làm chưa đúng phải biết sửa chữa, rút kinh nghiệm ngay. Làm sai phải biết xin lỗi, chịu phạt… Chị đã đặt mua báo cho con đọc. Ở đó có những câu chuyện về tình thầy trò, bè bạn, gương người tốt việc tốt, những sáng kiến của các bạn học sinh khắp mọi miền. Không ngờ Hiển lại thích thú và say mê đọc...
Với sự ủng hộ của bà nội, sự giúp sức của cô giáo, các bạn, phương pháp giáo dục con của anh chị đã có kết quả rõ rệt. Hiển đã thực sự thay đổi. Nó chăm chỉ, ngoan ngoãn, lễ phép hẳn lên. Ở lớp, chịu khó nghe giảng, dần bớt nói năng tự do, gây gổ với các bạn. Về nhà, biết giúp đỡ bố mẹ và không còn nghịch ngợm tai quái. Tuần trước, đọc tin trên báo, Hiển còn đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ gia đình bạn Thắng ở cùng huyện. Bố Thắng đang ốm nặng, nhà nghèo không có tiền để chữa bệnh. Chị Vân cũng cộng tác cùng con, kêu gọi sự giúp đỡ của các phụ huynh. Nghe nói, số tiền ủng hộ đã được thầy giáo Tổng phụ trách Đội chuyển đến tay bạn Thắng rồi. Giờ thì chị Vân đã yên tâm được phần nào. Chị càng thấm thía câu “Bé không vin, cả gãy cành”, bởi đã hình thành thói quen xấu rồi thì việc uốn nắn, sửa chữa để trẻ có nền nếp thật sự dày công. Nếu biết kiên trì, phối hợp giáo dục từ nhiều phía, ta cũng sẽ có được sự thành công như mong đợi.
NGUYỄN PHƯƠNG LAN