Thi đua sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:30, 31/03/2019
Kể từ ngày Bác Hồ về thăm đến nay, nền nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ về chất
Sự khích lệ, động viên cũng như những nhắc nhở của Người là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nỗ lực phấn đấu, gặt hái được nhiều thành tích trong nông nghiệp.
Nhớ lời Bác dạy
Xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương) vinh dự được Bác Hồ về thăm vào ngày 31.5.1957. Hình ảnh Người cầm quả bí đao đứng ở cổng làng Vũ Thượng đã khắc sâu vào tâm thức của bao thế hệ người dân nơi đây. Lời nhắc nhở của Bác "Năm nay được mùa nhưng chớ có phụ rau màu" chính là động lực giúp nông dân thi đua sản xuất những năm qua. Và giờ đây, khi đã lên phường, chính quyền và người dân Ái Quốc vẫn chú trọng tới phát triển nông nghiệp với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp đô thị bền vững. Theo ông Đinh Duy Do, Phó Chủ tịch UBND phường, nhớ lời Bác dạy, ngoài tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, phường vẫn khai thác tối đa lợi thế sản xuất nông nghiệp, quyết tâm hình thành vành đai xanh cho thành phố.
Những lời căn dặn của Bác với nhân dân xã Hồng Thái (Ninh Giang) khi về thăm Hải Dương lần thứ 5 vào ngày 15.2.1965 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người. Biểu dương thành tích của xã khi là lá cờ đầu trong phong trào làm thủy lợi miền Bắc, Bác nhắc nhở: “Đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với những thành tích bước đầu mà cần phải cố gắng hơn nữa”. Khắc ghi lời Bác, xã Hồng Thái không ngừng nỗ lực vươn lên và trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Ninh Giang. “Là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện song xã không bằng lòng với chính mình mà tiếp tục phấn đấu để xứng đáng với lời khen của Bác năm xưa”, ông Ngô Quang Sáng, Chủ tịch UBND xã khẳng định.
Sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với sản xuất nông nghiệp của Hải Dương được thể hiện rõ nét nhất qua lần về thăm tỉnh vào ngày 1.4.1959. Bác khen ngợi phong trào đổi công HTX của tỉnh và dặn dò một số công việc trong sản xuất vụ đông là bón thêm phân cho cây trồng và ra sức chống hạn. Lời dặn của Bác như tiếp thêm sức mạnh, làm lan tỏa phong trào thi đua sản xuất trong toàn tỉnh. Những cánh đồng bị bỏ hoang nhiều năm do không có nước tưới dần được phủ xanh bằng màu lúa mới. Nhờ tích cực làm thủy lợi mà người dân cấy được 2 vụ thay vì 1 vụ như trước. Nông nghiệp tỉnh nhà từng bước khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Thay đổi về chất
Đến nay, dù trong tình hình phát triển mới nhưng những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị với ngành nông nghiệp của tỉnh. Sau 60 năm kể từ ngày Bác lưu ý tỉnh về sản xuất vụ đông, Hải Dương đã trở thành vựa rau màu vụ đông của miền Bắc. Những nông sản vụ đông mang thương hiệu của tỉnh như cải bắp, su hào, cà rốt, hành tỏi… đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn. Vụ đông cũng là vụ sản xuất chính của nhiều địa phương trong tỉnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Công tác chống hạn cũng được tỉnh quan tâm đầu tư bằng kế hoạch làm thủy lợi đông xuân hằng năm, tạo điều kiện cho sản xuất diễn ra an toàn, thuận lợi.
Không chỉ tạo dấu ấn về kết quả sản xuất với tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm, nông nghiệp Hải Dương đang có bước chuyển mình quan trọng để phù hợp với yêu cầu mới. Dồn điền, đổi thửa để hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thổi luồng sinh khí mới vào bức tranh nông nghiệp của tỉnh. Ngành nông nghiệp đang được cơ cấu lại đồng bộ, bài bản theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh đã có 34 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 527,4 ha tại 10 huyện, thành phố. Diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trong tỉnh đạt hơn 200.000 m2. Các mô hình đều ứng dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật từ khâu làm đất đến thu hoạch, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong cả trồng trọt và chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có gần 700 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 10.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; 25 cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP và phần lớn các hộ chăn nuôi đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Trên nền tảng sản xuất sạch, cùng sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nông dân đã chủ động thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng. Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cũng được hình thành theo xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi.
Kể từ ngày Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương trong sản xuất đến nay, bộ mặt nông nghiệp của tỉnh có những thay đổi về chất. Đây chính là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, người dân trong tỉnh để xứng đáng với những ân tình của Người dành cho Hải Dương.
PV