Phòng ngừa đuối nước trẻ em: Không chỉ là chuyện dạy bơi

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:33, 02/04/2019

Hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, đuối nước là “sát thủ thầm lặng” với trẻ em mọi miền. Làm gì để ngăn ngừa những cái chết thương tâm do sông nước?

Một lớp dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: VTV

Trẻ biết bơi vẫn có thể tử vong


Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 2 năm 2017 và 2018 đã có hơn 3,6 triệu trẻ em, thanh thiếu niên tham gia các lớp học bơi và đã có trên 2,1 triệu trẻ em biết bơi, gần 5 triệu trẻ em, thanh thiếu niên được học các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước...

Hai năm qua, số trẻ đuối nước đã giảm mạnh. Nhưng vẫn còn nỗi bàng hoàng, xót xa trước những vụ nhiều trẻ chết đuối cùng lúc. Điều này cho thấy việc phòng tai nạn đuối nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em, vị thành niên tại Việt Nam. Mỗi năm vẫn có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Thực tế từ các vụ trẻ chết đuối có thể thấy không chỉ có trẻ chưa biết bơi gặp nạn. Trẻ biết bơi vẫn có thể tử vong do chơi đùa lâu bị kiệt sức, do trẻ thiếu kinh nghiệm ứng phó khi tiếp xúc vùng nước thay đổi nhiệt độ lạnh đột ngột, nước sâu, khu vực nguy hiểm bị sóng cuốn... Vì vậy, dạy bơi cho học sinh là một chuyện, cần dạy cho trẻ những kỹ năng xử lý tình huống cho chính bản thân và tập thể.

Ngoài ra, để xảy ra tình trạng chết đuối liên tiếp do sự bất cẩn của người lớn và sự thờ ơ, chưa nhìn nhận đúng nguy cơ, sự nguy hiểm từ phía cộng đồng. Chỉ khi nào tất cả mọi người nhận thức đúng mức rủi ro từ sông nước mới mong hạn chế đuối nước.

Thực tế cho thấy việc trẻ rủ nhau bơi lội, chơi đùa dưới nước hoặc gần nơi có ao hồ diễn ra mọi nơi, một việc tiềm ẩn rủi ro nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng. Nhìn thấy trẻ tụ tập tắm, chơi đùa gần nguồn nước nguy hiểm mà không có người lớn giám sát, nhiều người vẫn thờ ơ cho rằng không phải việc của mình. Ngoài ra, nhiều nơi nước sâu, nguy hiểm chết người chưa được cảnh báo.

Vì vậy, bên cạnh việc cho trẻ học bơi, cần nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn. Phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế thì sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và gia đình để có thêm nhiều lớp dạy bơi, tuyên truyền về phòng, chống đuối nước là rất quý.

Một số cách sơ cứu 

Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này. Theo đó, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.     

Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút. 

Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài. Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.

Gia Khánh (TTXVN)