Năm điều cần biết về Bayer và Monsanto
Thế giới - Ngày đăng : 14:28, 02/04/2019
Bayer đã chi 63 tỷ USD để thâu tóm gã khổng lồ Monsanto
Sự việc này thúc đẩy khả năng có thêm một loạt các vụ kiện tương tự, khiến chủ sở hữu mới của Monsanto là công ty Bayer của Đức phải hối hận với thương vụ thâu tóm của mình.
Dưới đây là những gì bạn cần biết về vụ sáp nhập giá 63 tỷ USD (55,5 tỷ euro) giữa Bayer và Monsanto.
Heroin
Thành lập năm 1863 tại Đức, Bayer vẫn được biết tới nhiều nhất với sản phẩm thuốc aspirin. Nhưng công ty này cũng đã đầy tai tiếng khi hồi đầu thế kỷ XX có một thời gian bán heroin song lại tiếp thị như một loại thuốc trị ho và thay thế morphin.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Bayer là một công ty thuộc tập đoàn IG Farben. Đây là tập đoàn công nghiệp hóa chất đã sản xuất hóa chất trừ sâu Zyklon B, thứ hơi độc được sử dụng trong các phòng hơi ngạt của Hitler để sát hại người Do Thái.
Qua một loạt các vụ mua bán sáp nhập, Bayer đã phát triển thành gã khổng lồ trong ngành sản xuất thuốc và hóa chất, hiện có khoảng 100.000 người lao động trên toàn thế giới.
Phần lớn thành công của Bayer trong những năm gần đây là nhờ các loại thuốc đình đám như Eylea điều trị thoái hóa điểm vàng và Xofigo điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Chất độc da cam
Monsanto được thành lập tại St Louis, bang Missouri, Mỹ năm 1901, bước đầu sản xuất đường hóa học sacarine.
Đến những năm 40 của thế kỷ XX, công ty này sản xuất các hóa chất sử dụng trong các nông trại, gồm cả thuốc diệt cỏ 2,4-D. Loại thuốc này được bổ sung một số hóa chất khác để tạo ra chất độc da cam đầy tai tiếng mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Năm 1976, công ty này cho ra mắt sản phẩm có lẽ nổi tiếng nhất của mình - thuốc diệt cỏ Roundup.
Vào những năm 80, các nhà khoa học thuộc Monsanto chính là những người đầu tiên biến đổi gen một tế bào thực vật. Monsanto sau đó bắt đầu mua lại các công ty giống cây trồng và tiến hành trồng thử nghiệm hạt giống biến đổi gen.
Cuối cùng Monsanto cho ra mắt giống đậu tương, ngô, bông và các loại giống cây trồng khác kháng thuốc trừ cỏ Roundup.
Lãnh đạo công ty này nói rằng những giống cây kháng thuốc này cùng với các loại thuốc trừ sâu sẽ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giúp có đủ lương thực nuôi sống dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 10 tỷ vào năm 2050.
Xóa bỏ cái tên Monsanto tai tiếng
Monsanto bị những người chỉ trích gọi bằng cái tên Monsanta với ý so sánh như quỷ satan. Trong nhiều thập kỷ, công ty này nằm trong tầm ngắm của các nhà hoạt động vì môi trường, đặc biệt là ở châu Âu, nơi người ta tin rằng thực phẩm biến đổi gen có thể không được an toàn.
Các nhà vận động cũng phản đối việc Monsanto sản xuất Roundup với thành phần chính là glyphosate. Một số nhà khoa học cho rằng, đây là chất gây ung thư mặc dù có những nghiên cứu phủ nhận điều này.
Với hy vọng xóa đi tai tiếng của Monsanto, Bayer đã tuyên bố sẽ bỏ đi cái tên này khỏi sản phẩm của mình.
Kiện cáo
Giá cổ phiếu của Bayer đã giảm hơn 13% hôm 20.3.2019, sau khi bồi thẩm đoàn của tòa án liên bang ở San Francisco, California kết luận Roundup là một "yếu tố quan trọng" gây ra bệnh ung thư của ông Edwin Hardeman, một người làm vườn 70 tuổi ở California.
Các nhà đầu tư đã hoảng sợ ngay cả khi tòa chưa xác định liệu Bayer và Monsanto có phải chịu trách nhiệm về bệnh tình của ông Hardeman hay không.
Trước khi có phán quyết này, hồi tháng 8.2018, một tòa án bang cũng đã yêu cầu Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson, một người làm vườn bị ung thư giai đoạn cuối. Khoản bồi thường sau đó được giảm xuống còn 78,5 triệu USD song Bayer vẫn có kế hoạch kháng cáo.
Lập luận của công ty này là “các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đều coi thuốc diệt cỏ gốc glyphosate là an toàn nếu sử dụng đúng theo chỉ dẫn”.
Nhưng điều đó có thể không đủ để trấn an các cổ đông.
“Nếu bạn muốn thị trường chứng khoán nói chung tốt lên thì đừng vướng vào một công ty đang đối mặt với các vụ kiện tụng lớn", nhà phân tích Chris Beauchamp của IG chỉ ra.
Một cái giá đắt
Hoạt động trong một ngành đang chuẩn bị cho sự bùng nổ dân số toàn cầu, Bayer đã rất muốn có được dòng sản phẩm dẫn đầu thị trường hạt giống biến đổi gen có khả năng kháng thuốc Roundup của Monsanto.
Bayer cũng thèm muốn công ty phân tích dữ liệu Climate Corp của Monsanto vì tin rằng trong tương lai người nông dân sẽ áp dụng phương thức giám sát kỹ thuật số trong canh tác.
Nhưng Bayer phải trả một mức giá rất cao.
Ngoài mức giá cao ngất ngưởng, Bayer đã phải từ bỏ phần lớn mảng kinh doanh giống cây trồng và hóa chất nông nghiệp để đảm bảo tính cạnh tranh.
Phần Bayer từ bỏ thuộc về tay đối thủ đồng hương Đức BASF.
Sau các phán quyết của tòa án California, Bayer bây giờ có lẽ cần dành ra một khoản tiền lớn để giải quyết các khiếu kiện về Roundup trong tương lai.
Chuyên gia phân tích Michael Leacock của ngân hàng MainFirst nhận định rằng tổng chi phí có thể lên tới 10 tỷ USD nếu Bayer phải bồi thường cho các nguyên đơn sẽ còn tăng lên.
THANH HƯƠNG (THEO AFP)