Xã An Sơn khéo vận động nhân dân

Xã hội - Ngày đăng : 10:06, 04/04/2019

Là một xã xuất phát điểm thấp, không thuận lợi trong mọi mặt song nhờ làm tốt công tác dân vận, An Sơn (Nam Sách) đã có kết quả ấn tượng trong xây dựng quê hương.


Hội Phụ nữ xã An Sơn xây dựng mô hình bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường làng, ngõ xóm

Nêu gương

An Sơn là xã thuần nông, cơ sở vật chất nghèo nàn. Đến hết năm 2016, xã mới đạt 11 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Ông Nguyễn Tiến Hoan, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn cho biết trước khó khăn trên, xã chủ trương làm tốt công tác dân vận, huy động nguồn lực thực hiện bằng được các tiêu chí khó. 

Công tác dân vận đi vào những việc cụ thể. Toàn xã có gần 20 km đường giao thông đã xuống cấp, hư hỏng. Xã chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên đi đầu, nêu gương hiến đất, góp công làm đường. Mỗi thôn chọn một xóm để làm điểm. Xóm nào gặp vướng mắc, cán bộ chủ chốt xã trực tiếp xuống cùng dân tháo gỡ. An Giới là thôn đầu tiên được xã giao làm đường giao thông. Từ An Giới, phong trào làm đường lan rộng tới các thôn còn lại. Các gia đình hiến đất, tháo dỡ công trình phụ, tường bao, mỗi nhân khẩu đóng góp từ 1,5-2 triệu đồng mở rộng đường.   

Trong dồn điền, đổi thửa, thực hiện tốt công tác dân vận, mỗi nhân khẩu đã tự nguyện hiến gần 20 m2 đất để mở rộng đường nội đồng, kênh mương. Nhờ đó, hơn 17 km đường trục nội đồng đã được mở rộng từ 4-5 m, hơn 7,8 km kênh mương được kiên cố hóa, tạo thuận lợi trong sản xuất. 

Trong xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, xã hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích nhân dân các thôn góp công, của xây, sửa nhà văn hóa diện tích trung bình hơn 800 m2, làm sân thể thao rộng từ 1.000-1.800 m2. 

Công tác dân vận ở An Sơn được cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Các đoàn thể căn cứ nhiệm vụ của mình xây dựng các mô hình dân vận, vận động đoàn viên, hội viên đăng ký phần việc, tiêu chí trong xây dựng NTM. Hội Cựu chiến binh xã với mô hình tham gia bảo đảm an ninh trật tự, Hội Nông dân xã với các mô hình phát triển kinh tế, quy vùng sản xuất lúa, rau màu chất lượng cao... Hội Phụ nữ xã An Sơn xây dựng mô hình bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng hoa đường làng, ngõ xóm...

Xã vận động người dân tìm tòi, thử nghiệm các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều vùng sản xuất lúa, rau màu giá trị kinh tế cao như mùi gai, đậu bắp, dưa, củ đậu... đã giúp nông dân An Sơn có cuộc sống khấm khá hơn. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở An Sơn đạt 41,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 1,5%. 

Nhờ làm tốt công tác dân vận, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng NTM, An Sơn đã huy động được 79 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, các công trình phúc lợi, trong đó nhân dân đóng góp hơn 23,2 tỷ đồng. Mặc dù không đăng ký về đích NTM năm 2018 nhưng An Sơn đã được UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM. 

Gỡ mắc để sớm sáp nhập thôn

Nhờ làm tốt công tác dân vận, An Sơn còn là xã đầu tiên của huyện Nam Sách hoàn thành lấy ý kiến người dân trong sáp nhập thôn, khu dân cư với sự đồng thuận nhất trí cao. 

Xã An Sơn có 5 thôn, trong đó Hưng Sơn là thôn nhỏ nhất với 101 hộ dân, nằm trong diện phải sáp nhập. Căn cứ vào tình hình thực tế, cuối năm 2018, xã xây dựng đề án sáp nhập thôn Hưng Sơn với thôn Cõi.  Qua thăm dò, đa phần nhân dân không muốn sáp nhập bởi cả hai thôn được hình thành từ lâu đời, có lịch sử truyền thống và những nét văn hóa riêng. Khi sáp nhập thành thôn mới sẽ tăng dân số, biến động trong sinh hoạt của chi bộ và các đoàn thể chính trị, đời sống nhân dân.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng thời phải làm tốt công tác dân vận, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trong các hội nghị của xã, của các đoàn thể để nhân dân nắm được chủ trương chung. Thấy đa số nhân dân thôn Cõi ủng hộ chủ trương sáp nhập, xã cử cán bộ chủ chốt cùng thôn thành lập 4 tổ đến từng hộ dân lấy ý kiến. Trên dưới đồng tâm, hơn 98% số người dân lấy ý kiến đều đồng thuận. 

Tại thôn Hưng Sơn, hầu hết người dân khi được thăm dò ý kiến đều phản đối việc sáp nhập vì khoảng cách địa lý giữa nhà văn hóa hai thôn khá xa (hơn 2 km). Lãnh đạo xã An Sơn chủ trương một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, một mặt phân công cán bộ xã, đoàn thể xuống cơ sở ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của nhân dân để tháo gỡ. MTTQ và từng đoàn thể tổ chức hội nghị riêng để tuyên truyền, phổ biến tới hội viên của mình. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã trực tiếp xuống họp với dân để phân tích điều hơn lẽ thiệt. Trong gần 1 tuần, lãnh đạo MTTQ và Hội Phụ nữ xã cùng cán bộ thôn đến từng hộ tuyên truyền, vận động. Bằng sự kiên trì, linh hoạt trong công tác dân vận, 80% số dân ở thôn Hưng Sơn được lấy ý kiến đã nhất trí sáp nhập thôn Hưng Sơn với thôn Cõi. Từ kết quả trên, tại kỳ họp cuối năm 2018, HĐND xã An Sơn đã nhất trí thông qua nghị quyết về thực hiện sáp nhập thôn Hưng Sơn với thôn Cõi. 

  NGỌC HÙNG