Để học trò hứng thú với môn sử
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:25, 04/04/2019
Học sinh Trường THCS Gia Khánh thích thú khi tham quan Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị
Từ hơn chục năm trước, Trường THCS Gia Khánh đã bắt đầu tổ chức cho học sinh mũi nhọn (học sinh giỏi các cấp) tham quan các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Trường chọn những địa điểm, di tích nổi tiếng gắn với lịch sử địa phương và dân tộc như Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị, Đền Quát, Nhà truyền thống huyện Gia Lộc, Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền...
Từ nguyện vọng của đông đảo cha mẹ học sinh, 3 năm gần đây trường đã mở rộng đối tượng tham gia gồm cả các em học sinh khá, giỏi các cấp. Mỗi chuyến đi có từ 220-250 học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động các Mạnh Thường Quân tài trợ cho các chuyến đi để giảm bớt chi phí nên mỗi học sinh chỉ cần đóng từ 100.000-200.000 đồng. "Khi nào chuyến đi kết thúc, học sinh về đến nhà chúng tôi mới cảm thấy yên tâm. Dù công tác tổ chức có vất vả nhưng khi thấy các em hứng thú tham gia, tìm hiểu những bài học lịch sử, các thầy, cô giáo đều thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra", thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hà cho biết.
Mỗi chuyến tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh, nhà trường đều bố trí giáo viên lịch sử hướng dẫn, thuyết minh cho các em về di tích gắn với lịch sử địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Thiêm, giáo viên môn lịch sử cho biết: "Đến mỗi di tích trong tỉnh, tôi đều chuẩn bị tài liệu, gắn thuyết minh về di tích với lịch sử địa phương qua các thời kỳ. Ví dụ như khi đưa học sinh tham quan Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị, tôi giới thiệu với các em quá trình hoạt động cách mạng của cụ, nhấn mạnh các hoạt động của cụ tại quê hương".
Mỗi chuyến đi đều nhận được những phản hồi tích cực từ đông đảo học sinh và các bậc cha mẹ. Em Bùi Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 8A cho biết: "Năm ngoái em và các bạn trong lớp đã được tham quan Văn miếu Mao Điền và Lăng Bác. Tại Văn miếu Mao Điền, các thầy cô giới thiệu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của Hải Dương. Tại Lăng Bác, chúng em được nghe giới thiệu về quá trình xây dựng lăng và niềm kính yêu của nhân dân đối với vị cha già của dân tộc. Em thấy những chuyến đi như vậy rất thiết thực, từ đó chúng em thấy hứng thú học tập hơn cũng như yêu thêm lịch sử dân tộc".
Qua hoạt động này, trường đã thu được kết quả tích cực trong giảng dạy môn lịch sử nói riêng và giảng dạy học sinh đại trà nói chung. 5 năm liền, từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường có 13 học sinh đoạt giải nhì, ba, khuyến khích; 3 lần xếp thứ nhất; 2 lần xếp thứ hai đồng đội trong kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp huyện. Cùng thời gian này, số học sinh khá, giỏi của nhà trường đạt từ 64,2-72,3%.
Theo anh Đỗ Thế Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc, Trường THCS Gia Khánh là một trong những đơn vị của huyện sớm đưa học sinh đến di tích để học sử. Cách làm này nhiều năm nay được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khuyến khích để tăng hiệu quả học tập cho học sinh.
VIỆT QUỲNH