Chủ tịch Hồ Chí Minh - Dấu ấn sự kiện ngày 7, 8 và 9.4
Chính trị - Ngày đăng : 14:07, 06/04/2019
Nội bộ gồm những cơ quan ở trụ sở của bộ. Ngoại bộ gồm các sứ bộ và lãnh sứ bộ. Cách tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan Nội bộ được quy định trong các điều 2,3,4 của Sắc lệnh này. Chế độ Ngoại bộ do một sắc lệnh riêng quy định.
Ngày 7.4.1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam. Người nhắc phải làm gấp việc di chuyển các bộ và căn dặn: “Đường khó đi. Dù có xe hơi cũng không chắc đi được. Vậy, tốt nhất là dùng xe bò, xe ngựa”. “Phải giải thích cho các bộ trưởng hiểu: chịu khó mấy hôm mà an toàn, hơn là cầu yên và chờ nước đến chân mới nhảy và dặn họ giải thích với gia quyến họ”. “Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn, biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con”.
Ngày 7.4.1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về dự thảo báo cáo về hợp tác hóa nông nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, Người lưu ý việc phát triển HTX nhưng phải nhấn mạnh củng cố; về đánh giá nông dân cần nêu bật bản chất giai cấp tích cực cách mạng của nông dân và các thành phần khác. Về vấn đề tổ chức, Người nhắc nhở trong nông thôn cần củng cố chi bộ, phát triển hợp tác phải đi bước nào chắc bước đó, tránh ồ ạt. Các vấn đề công nghiệp, thương nghiệp, hợp tác hóa... cần đẩy mạnh nhưng phải có kế hoạch ăn khớp với nhau...
Cùng ngày, Người đến dự Đại hội liên hoan chào mừng thắng lợi của phong trào diệt dốt của Thủ đô. Nói chuyện với các đại biểu, Người căn dặn: “Hà Nội đã xóa xong nạn mù chữ. Nay phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa, không được để có người mù chữ trở lại”. Người đã tặng huy hiệu của Người cho 7 chiến sĩ diệt dốt xuất sắc, 4 gia đình (trong đó có 2 gia đình Hoa Kiều) có thành tích trong phong trào diệt dốt.
Ngày 7.4.1965: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm một hécta”, bút danh Lê Nông, đăng Báo Nhân Dân, số 4022.
Bài báo biểu dương một số huyện, HTX điển hình đạt năng suất lúa từ 5 tấn một hécta trở lên và khẳng định, chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm một hécta. Để làm được điều đó, các hợp tác xã nông nghiệp phải cải tiến kỹ thuật; thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh; chi bộ lãnh đạo chặt chẽ; đảng viên gương mẫu, xung phong; xã viên đoàn kết nhất trí’ “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.
Ngày 7.4.1967: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở hai miền và bàn một số vấn đề về ngoại giao. Về ngoại giao, Người nói: Phải tăng cường tuyên truyền cho Tòa án Quốc tế xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Béctơrăng Rútxen đề xướng để tranh thủ dư luận quốc tế.
Ngày 7.4.1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến họp tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra tại địa điểm này vì sau đó một thời gian Bác lâm trọng bệnh.
Ngày 8.4.1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị lần thứ hai Hội đồng đoàn kết nhân dân Á – Phi họp ở Băngđung (Inđônêxia). Bức điện có đoạn: "Chủ nghĩa đế quốc thực dân ngày càng thất bại. Phong trào dân tộc giải phóng ngày càng lên cao.
Là một lực lượng rất to lớn, nhân dân Á – Phi đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh thì nhất định sẽ đánh bại mọi âm mưu và hành động của chủ nghĩa đế quốc thực dân, các nước Á – Phi nhất định giành được độc lập hoàn toàn và góp phần đắc lực vào sự nghiệp giữ gìn hoà bình thế giới”.
Ngày 8.4.1963, Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) bàn kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong ý kiến phát biểu, Người nhắc nhở cần phải tổ chức làm tốt công tác phòng bệnh, công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng, tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Về vấn đề tổ chức hợp tác xã, Người chỉ thị: “Về nông nghiệp, hợp tác xã cao cấp nâng lên nhiều thì tốt, nhưng phải làm tốt, phải vững. Hợp tác xã thủ công nghiệp phải tích cực sửa chữa những thiếu sót, kỷ luật lao động phải nghiêm. Việc hợp tác xã hội chủ nghĩa càng phải làm cho tốt, ký kết phải có hợp đồng, đã ký thì phải làm và phải có chế độ đãi ngộ thích đáng cho người lao động”.
Ngày 8.4.1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp. Người đề nghị nếu chỉnh đốn hợp tác xã thừa người ra, phải chú trọng giải quyết công việc làm cho họ.
Về kế hoạch, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giao chỉ tiêu lớn, Bộ Công nghiệp nhẹ sẽ cùng các địa phương chỉ tiêu hoá và cụ thể hoá.
Sản xuất hàng loạt để hạ giá thành và bán rẻ là đúng và tốt. Nhưng ngày nào trên báo cũng thấy nêu về phẩm chất. Sao không tổ chức ra một cục có trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng trực thuộc Phủ Thủ tướng? Sao cứ phải để ở Bộ nhẹ?
Ngày 9.4.1925: Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T viết thư nhận xét về tập “Cách mệnh” theo yêu cầu của tác giả H (Nguyễn Thượng Huyền, con trai nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, lúc này cũng đang hoạt động chính trị ở Trung Quốc).
Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên một số quan điểm của mình về cách viết, rằng: “Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thúy của các điển tích thường cũng bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm... Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt... Một lối hành văn giản dị chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ… Nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì”.
Ngày 9.4.1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các Khu tự vệ thành Hà Nội.
Bác khen ngợi anh em tự vệ đã hăng hái tham gia nhiều công việc giúp đỡ nhân dân và Chính phủ… và nhắc nhở anh em cẩn thận trong việc dùng súng, kiên trì và không được chán nản, cần ôn hòa và có kỷ luật. Người nhấn mạnh đến phương châm: “Một sự nhịn là chín sự lành” và nêu rõ 3 nhiệm vụ của tự vệ lúc này là: Củng cố và phát triển tổ chức. Nghiên cứu chính trị để nhận định đúng đường lối. “Hiểu rõ đường lối chính trị thì công tác đúng”. Quân sự hóa sinh hoạt đoàn thể tự vệ, nghĩa là hoạt động phải có quy củ.
Ngày 9.4.1968: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tư khen quân và dân Quảng Bình. Đây là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100, 200, 300, 400 máy bay Mỹ, dẫn đầu về thành tích bắn chìm, bắn cháy tàu chiến và tàu biệt kích địch, ba thứ quân của Quảng Bình đều lớn mạnh, lại có thành tích xuất sắc trong mọi công tác phục vụ tiền tuyến, trong sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải và công tác văn hóa, y tế.
Theo TTXVN