Trẻ em dùng mạng xã hội: Coi chừng lợi bất cập hại
Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 06/04/2019
Nhiều trẻ thường tranh thủ lúc bố mẹ bận rộn để lướt mạng xã hội
Hiện nay, không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em cũng tự tạo tài khoản để tham gia mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên, khi trẻ chưa đủ nhận thức, hiểu biết về xã hội thì việc này có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của các em.
"Đắm chìm" trong mạng xã hội
Xem Facebook cá nhân của em K.Đ.N., học sinh lớp 7A một trường THCS ở TP Hải Dương có thể thấy rất nhiều ảnh "tự sướng", những trạng thái chia sẻ về tình yêu và các ứng dụng cho kết quả "ảo". Cũng tại đây, N. đã tag một bạn nữ cùng lớp với trạng thái "Tình yêu như chén muối tiêu/Muối nhiều thì mặn, tiêu nhiều thì cay". Trạng thái này đã nhận được hơn 50 lượt thích, yêu thích và nhiều bình luận sôi nổi của các bạn trong và ngoài lớp.
Trong lớp của N., hầu hết học sinh đều sử dụng MXH, phổ biến như Facebook, YouTube, có bạn có cả tài khoản Zalo, Instagram... Nhiều em sử dụng MXH không chỉ để kết nối, chia sẻ mà còn để "sống ảo", "tô hồng" bản thân, "thả thính". Các em cũng thường xuyên sử dụng YouTube để xem phim, vlog (blog bằng video), clip của các streamer (người chơi và tường thuật trò chơi trực tiếp trên internet)...
Chị B.T.N. ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết con trai chị năm nay 12 tuổi và có đến vài tài khoản MXH. Ý thức được sự nguy hiểm của MXH đối với trẻ nhỏ, chị đã cấm con sử dụng nhưng cháu thường xuyên tranh thủ lúc mẹ bận rộn hoặc đang sạc điện thoại để dùng.
Cũng như chị N., anh Đ.V.H. có hai con 9 và 13 tuổi ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết mỗi khi đi học về, việc đầu tiên là hai cháu tìm điện thoại của bố mẹ để vào MXH. "Khi tôi yêu cầu các cháu trả điện thoại, các cháu tỏ rõ sự khó chịu. Có những lần bố mẹ đi vắng, để điện thoại ở nhà để tiện liên hệ nhưng khi về thì thấy cháu vào MXH cả buổi mà không làm việc nhà hay học bài như bố mẹ căn dặn", anh H. chia sẻ.
Tác động xấu
Việc sử dụng MXH khi trẻ chưa đủ nhận thức về xã hội có thể ảnh hưởng xấu tới các em. Anh H. phàn nàn: “Cô giáo chủ nhiệm của con cho biết ở lớp cháu bắt đầu có biểu hiện nói tục, chửi bậy, xao nhãng việc học. Nhiều lần tôi thấy cháu xem các streamer tường thuật các trận game thường xuyên chửi bậy, tôi nghĩ cháu bị ảnh hưởng bởi bạn bè và MXH. Vì vậy, tôi đã cấm cháu sử dụng điện thoại để vào MXH”.
Hiện nay, trên MXH có nhiều thông tin, trào lưu có thể gây ảnh hưởng xấu đến trẻ. Mới đây nhất là thông tin chiều 31.3, Dương Minh Tuyền (sinh năm 1986, trú tại TP Bắc Ninh) đến Hưng Yên để thăm nữ sinh bị bạn đánh hội đồng. Sự xuất hiện của Tuyền đã được nhiều người, trong đó có cả trẻ em chào đón nồng nhiệt, vây quanh xin chụp ảnh. Cách đây không lâu, Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá ở tỉnh Bắc Ninh) cũng được nhiều bạn trẻ vây kín xin chữ ký, chụp ảnh tại một đám cưới ở Yên Bái. Tuyền và Khá nổi tiếng trên MXH với hình ảnh xăm trổ đầy mình, những bình luận thô tục về các vấn đề xã hội. Hai đối tượng này làm nghề đòi nợ thuê, nhiều lần đi tù vì tội hành hung, đốt cháy xe máy, dàn hàng ngang trên đường cao tốc chụp hình... Việc một bộ phận giới trẻ thần tượng Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền khiến không ít người phải giật mình về hiện tượng lệch lạc của xã hội, trong đó có tác động xấu của MXH.
Theo thầy Trần Đức Thắng, giảng viên bộ môn tâm lý học (Trường Đại học Hải Dương), trẻ em thường hiếu động, tò mò và nhanh nhạy trong việc tiếp cận với internet, do đó không khó hiểu khi nhiều em dành quá nhiều thời gian sử dụng MXH, xao nhãng học hành. Cùng với đó, thông tin về những nhân vật có đời tư bất hảo đã được cộng đồng mạng cổ xúy khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng theo những trào lưu xấu. Các em có thể nảy sinh tư tưởng rằng gia đình, nhà trường thường áp đặt vì vậy cần học theo thần tượng để khẳng định bản thân. Tình trạng này xảy ra một phần cũng do lỗi của phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con em mình. Thực tế có không ít phụ huynh chưa trở thành tấm gương cho con. Nhiều người thường cấm đoán con sử dụng nhưng bản thân lại là "con nghiện" của MXH. Bố mẹ mải mê với "thế giới ảo" trong những chiếc điện thoại mà quên mất việc cần phải thường xuyên trò chuyện với con cái...
Để trẻ sử dụng MXH một cách đúng đắn, phụ huynh cần giúp các em phân biệt được đúng sai, không sa đà, lãng phí thời gian vào những nội dung vô bổ, độc hại.
QUỲNH TRANG